Vaccine COVID-19 đầu tiên chỉ cần một liều
Ngày 27.2, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson. Đây là vaccine COVID-19 thứ ba được cấp phép ở Mỹ, nhưng là vaccine một liều đầu tiên. Vaccine này được phép tiêm cho người lớn từ 18 tuổi trở lên.
Theo AP, vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson có sự khác biệt đáng kể so với vaccine được phát triển bởi Pfizer-BioNTech và Moderna - hai vaccine nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp từ FDA vào tháng 12.
Giấy phép sử dụng khẩn cấp cho phép các công ty và cơ quan quản lý nhanh chóng đưa các sản phẩm y tế ra thị trường trong thời kỳ đại dịch, mà không khắt khe như giấy phép chấp thuận đầy đủ của FDA.
Vaccine của Johnson & Johnson chỉ cần một liều, dựa trên vaccine tái tổ hợp chứ không sử dụng công nghệ dựa trên mRNA và có thể được bảo quản trong nhiệt độ lạnh bình thường. Vaccine của Johnson & Johnson có hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng kém hơn nhiều so với cả hai vaccine dựa trên mRNA - vốn có hiệu quả khoảng 95% trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Theo phân tích của FDA về dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của Johnson & Johnson, vaccine này có hiệu quả tổng thể là khoảng 66%, với tỉ lệ bảo vệ cao hơn một chút ở Mỹ là 72%. Hiệu quả của vaccine tăng lên khoảng 85% để ngăn ngừa bệnh nặng hoặc nguy kịch ở những người tham gia thử nghiệm ở Mỹ.
Khoảng 22 triệu người ở Mỹ đã nhận được cả hai liều vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna kể từ tháng 12 đến nay, tương đương khoảng 7% tổng dân số Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh việc cấp phép, coi đây là một thông tin tốt lành với người dân.
Vaccine của Nga hiệu quả với biến thể COVID-19
Reuters đưa tin, các nhà khoa học Nga tuyên bố hôm 27.2 rằng, một thử nghiệm nhằm kiểm tra hiệu quả việc tiêm nhắc lại vaccine Sputnik V để bảo vệ cơ thể trước những biến thể COVID-19 mới đã cho kết quả khả quan.
Táng trước, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị tiến hành đánh giá hiệu quả chống lại các biến thể mới của các loại vaccine do Nga sản xuất trước ngày 15.3.
Vaccine Sputnik V, hay vaccine của AstraZeneca, là các loại vaccine tái tổ hợp, được phát triển bằng cách sử dụng những virus SARS-CoV-2 đã bị giảm độc lực để mang thông tin di truyền giúp cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch chống lại nguy cơ nhiễm virus trong tương lai.
Ông Logunov khẳng định, nếu cần tiêm nhắc lại trong tương lai, thì các vaccine tái tổ hợp là lựa chọn tốt hơn so với những loại vaccine phát triển dựa trên các nền tảng khác.
Cũng trong ngày 27.2, Phó Thị trưởng Mátxcơva phụ trách phát triển xã hội, bà Anastasia Rakova, cho biết, tại thủ đô nước Nga đã bắt đầu tiêm chủng cho những người đầu tiên tham gia thử nghiệm vaccine một liều ngừa COVID-19 có tên Sputnik Light. Bất kỳ ai trên 18 tuổi đều có thể tình nguyện tham gia, miễn là họ chữa nhiễm COVID-19, chưa tiêm chủng trong vòng một tháng, không có kháng thể với SARS-CoV-2 và các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc cấp. Loại vaccine này sẽ được dùng cho người trẻ, từ 18-30 tuổi và Sputnik Light kết hợp với Sputnik V sẽ mang lại nhiều cơ hội tiêm chủng hơn.
Thế giới chạy đua đối phó với COVID-19
Tính đến ngày 28.2, thế giới có hơn 114 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 2,5 triệu ca tử vong, gần 90 triệu người khỏi bệnh, gần 22 triệu bệnh nhân đang được điều trị.
Tại Châu Á, nhóm 300 nhân viên y tế đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 là những người đầu tiên tại Hàn Quốc được tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech. Hàn Quốc chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng miễn phí ngày 26.2. Tại Châu Âu, Anh thông báo sẽ thay đổi chiến lược tiêm vaccine phòng COVID-19 trong những tháng tới, theo đó chiến dịch tiêm chủng sẽ dựa vào nhóm tuổi thay vì xét những nhóm nghề nghiệp có nguy cơ mắc bệnh.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia và nhà sản xuất trên thế giới tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển tiếp cận vaccine ngừa COVID-19. Ông Tedros khẳng định, cần thực hiện đồng thời nhiều bước kết hợp để tăng sản lượng vaccine, trong đó có chuyển giao công nghệ, tình nguyện chuyển nhượng và tạm nới lỏng quy định sở hữu trí tuệ để tăng độ bao phủ vaccine toàn cầu.