Người dân Pháp có thể sẽ được yêu cầu đeo khẩu trang khi tham gia giao thông công cộng và những người có thể làm việc tại nhà nên tiếp tục làm như vậy, ngay cả sau khi Pháp bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa ngày 11.5, AP dẫn lời Thủ tướng Edouard Philippe nói.
Theo Thủ tướng Philippe, dịch COVID-19 dường như đã đạt đỉnh ở Pháp hồi đầu tháng này và hiện tiến trình hồi phục đang chậm nhưng không chắc chắn.
Ông lưu ý: "Cuộc sống của chúng ta sau ngày 11.5 sẽ không giống như trước đây".
Thủ tướng Pháp cũng đề nghị người dân không nên có kế hoạch đi nghỉ xa trong dịp nghỉ hè năm nay.
Theo hãng tin AP, ông Edouard Philippe đồng thời cảnh báo rằng, khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của Pháp kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, sẽ rất nặng nề.
Pháp là một trong những quốc gia Châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, gây quá tải cho hệ thống y tế nước này. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Pháp có hơn 154.000 ca mắc COVID-19 và hơn 19.700 ca tử vong.
AP cho hay, Pháp sẽ đặt ra một ngoại lệ với các biện pháp đóng cửa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn virus lây lan để cho phép nhiều gia đình tới thăm người thân của họ tại các viện dưỡng lão, bắt đầu từ 20.4.
Hơn 7.000 người được cho là mắc COVID-19 đã chết tại các viện dưỡng lão của Pháp và không có gia đình ở bên cạnh vì các biện pháp bảo vệ kiềm chế lây lan virus.
Pháp đã cấm tất cả các chuyến thăm viện dưỡng lão sớm trong đại dịch và nhiều người dân đã ở nhà trong nhiều tuần bởi virus đặc biệt dễ tấn công người cao tuổi. Một số quốc gia Châu Âu khác bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19 cũng đã có các lệnh cấm tương tự.
Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho hay, các chuyến thăm sẽ được cho phép từ 20.4 trong điều kiện cực kỳ hạn chế. Không quá hai thành viên trong gia đình được vào thăm, đồng thời không được phép chạm vào người thân của họ trong viện dưỡng lão.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cho biết, hơn một triệu ca mắc COVID-19 được xác nhận ở Châu Âu tính đến ngày 19.4, với Tây Ban Nha là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất, tiếp sau là Italia, Đức, Anh và Pháp. Số người chết ở Châu Âu đã vượt quá 100.000 sau khi Anh báo cáo thêm 595 ca tử vong lúc 17h, ngày 18.4, giờ địa phương. ECDC liệt kê Italia có nhiều người chết nhất ở Châu Âu, với 23.227 người, tiếp theo là Tây Ban Nha, Pháp, Anh và Bỉ.
Theo CNBC, như vậy, Châu Âu chiếm gần một một nửa số ca mắc COVID-19 toàn cầu và hơn một nửa tổng số người chết vì đại dịch này.