Theo dữ liệu của NASA, tiểu hành tinh mang tên 2017 TS3 sẽ bay qua Trái đất vào 01h51 sáng 2.11 theo giờ miền đông Mỹ (tức 12h51 theo giờ Việt Nam).
Ước tính tiểu hành tinh 2017 TS3 sẽ di chuyển với tốc độ khoảng 35.405 km/h - nhanh hơn gấp 30 lần tốc độ âm thanh.
May mắn thay, tiểu hành tinh này không gây nguy hiểm cho Trái đất mặc dù nó có kích thước khá lớn và tốc độ di chuyển nhanh. Điều này là do tiểu hành tinh 2017 TS3 đến điểm gần Trái đất nhất trong hành trình quay quanh Mặt trời nhưng nó vẫn ở xa chúng gấp 14 lần so với Mặt trăng.
NASA cho biết TS3 2017 được quan sát lần đầu tiên vào tháng 10.2017. Nó ước tính có đường kính lên tới 219m tương đương chiều dài của 2 sân bóng đá gộp lại hoặc cũng có thể nhỏ hơn kích thước đó.
Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái đất (CNEOS) của NASA luôn theo dõi chặt chẽ các vật thể không gian ở gần Trái đất - với số lượng rất nhiều và đa dạng về kích thước, khoảng cách cũng như tốc độ.
Một số tiểu hành tinh đi ngang qua Trái đất ở khoảng cách rất gần, một số khác có kích thước lớn, rộng hơn 1km, di chuyển nhanh chậm khác nhau.
Các nhà khoa học bắt đầu chú ý nhiều hơn đến một tiểu hành tinh nếu nó đạt đến kích thước nhất định và dự kiến sẽ đến gần Trái đất trong tương lai. Trong trường hợp này, nó được phân loại là tiểu hành nguy hiểm tiềm tàng (PHA).
Cụ thể, một tiểu hành tinh có thể được xếp loại PHA nếu nó được dự đoán là đến gần Trái đất hơn 7 triệu km và có chiều ngang lớn hơn 150m. Các nhà khoa học cũng xem xét cả độ sáng của chúng.
Theo NASA, tổng cộng có khoảng 27.000 tiểu hành tinh gần Trái đất đã được phát hiện. Trong số này, khoảng 1.000 được cho là có đường kính hơn 1km.
Dự kiến đến 17.12, một tiểu hành tinh khổng lồ rộng tới 800m mang tên 163899 (2003 SD220), được phân loại PHA sẽ đi qua Trái đất. Tuy nhiên, tiểu hành tinh này sẽ ở cách xa chúng ta một khoảng bằng 14 lần khoảng cách Trái đất-Mặt trăng.