Live Science đưa tin, vào mỗi mùa hè, từ 14.7 đến 24.8, bắc bán cầu được bao phủ bởi hàng loạt "sao băng" lấp lánh - hay chính là các thiên thạch, những mảnh nhỏ của bụi, đá không gian bốc cháy trong bầu khí quyển của Trái đất.
Theo NASA, mưa sao băng Perseid là một trong những trận mưa sao băng rực rỡ nhất, được biết đến nhiều nhất khi bầu trời đêm bừng sáng với những thiên thạch bốc cháy lúc Trái đất đi qua đuôi bụi của sao chổi Swift-Tuttle.
Mưa sao băng Perseid đạt cực đại từ ngày 11 đến ngày 13.8, thời điểm có tới 100 sao băng mỗi giờ. Tuy nhiên, bạn có thể bắt gặp vô số sao băng lấp lánh kể cả trước và sau những ngày đó, đặc biệt là vào những giờ trước bình minh.
Sao chổi 109P/Swift-Tuttle được 2 nhà thiên văn học Lewis Swift và Horace Tuttle phát hiện trong các lần riêng biệt vào năm 1862. Nó có phần đầu rộng tới 26km, lớn gấp đôi kích thước của tảng đá không gian từng gây ra sự kiện khủng long tuyệt chủng 66 triệu năm trước. Sao chổi Swift-Tuttle mất 133 năm để quay quanh Mặt trời. Lần cuối cùng nó có mặt trong Hệ Mặt trời của chúng ta là năm 1992 và sẽ không quay trở lại cho đến năm 2125.
NASA cho hay, vào năm 1865, nhà thiên văn học người Italia Giovanni Schiaparelli đã phát hiện ra rằng, mưa sao băng Perseid hàng năm xảy ra do bầu khí quyển của Trái đất tương tác với các mảnh vỡ do sao chổi Swift-Tuttle để lại.
Perseids là những thiên thạch nhanh và sáng, thường để lại những vệt ánh sáng nhiều màu sắc kéo dài khi chúng chạy ngang qua bầu trời đêm. Đôi khi, những người theo dõi bầu trời thậm chí có thể nhìn thấy những quả cầu lửa, hoặc những vệt sáng và màu sắc lớn hơn và sáng hơn, tồn tại lâu hơn một ngôi sao băng trung bình. Quả cầu lửa chỉ xảy ra khi các viên đá không gian lớn hơn tương tác với Trái đất.
Mưa sao băng Perseid được đặt tên theo chòm sao Perseus, nơi các vệt sáng của nó dường như lao ra từ chòm sao này và có thể nhìn thấy bằng mắt thường ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Theo các chuyên gia của NASA, cách tốt nhất để quan sát được mưa sao băng là tìm một địa điểm tối đẹp và ngước nhìn lên bầu trời bằng chính đôi mắt của mình mà chẳng chẳng cần bất cứ ống nhòm hay kính thiên văn nào.
Chuyên gia cũng lưu ý, những ai muốn chụp lại hiện tượng thiên văn kỳ thú này có thể nhờ đến sự hỗ trợ của một chiếc chân máy ảnh để giữ cho máy ảnh được ổn định, đồng thời sử dụng kỹ thuật phơi sáng lâu, từ vài giây cho tới 1 phút để hình chụp không bị mờ.