Hoàn cầu Thời báo dẫn lời các nhà khảo cổ Trung Quốc cho biết, 25 bức tượng nhỏ bằng gốm mới được khai quật từ Hố số 1 của lăng mộ Tần Thủy Hoàng nổi tiếng - quê hương của các chiến binh đất nung - có ý nghĩa to lớn đối với việc tìm hiểu và nghiên cứu cách bố trí quân sự trong lăng mộ.
Trong số các di vật được khai quật, một bức tượng là của một vị tướng và một bức tượng khác là của một vị chỉ huy bậc trung. 25 bức tượng bằng gốm trong tình trạng tốt đang được lưu trữ và trùng tu để đảm bảo an toàn.
Dựa trên các bức tượng chỉ huy cấp trung và cấp cao được khai quật trước đây từ Hố số 1, các nhà khảo cổ học cho rằng cách bố trí quân sự của hố có sự đối xứng theo hướng bắc nam và đông tây. Khám phá này có ý nghĩa to lớn đối với việc tìm hiểu và nghiên cứu cách bố trí quân sự của toàn bộ hố.
Nằm ở tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, lăng mộ Tần Thủy Hoàng - hoàng đế đầu tiên của nhà Tần (221-206 trước Công nguyên) và cũng là hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc - nổi tiếng với các chiến binh đất nung và được công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào năm 1987.
Các nhà khảo cổ Trung Quốc cũng đã tiến hành khai quật một số ngôi mộ lớn khác được chôn cất tại khu vực này cũng như khôi phục lại di vật từ các ngôi mộ, bao gồm các tác phẩm điêu khắc lạc đà bằng vàng và bạc, tượng vàng có tay đang múa, một chiếc bình dẹt bằng đồng khảm men và một tượng nhỏ bằng đồng với khuôn mặt trang trọng đội vương miện.
Bảo tàng đã tiến hành khai quật những ngôi mộ này từ năm 2013. Các nhà khảo cổ cho biết, chủ nhân của ngôi mộ là người có địa vị cao. Một số lượng lớn các di vật văn hóa quý giá mới được khai quật bao gồm ba cỗ xe và ngựa, 15 quả chuông và nhiều bức tượng nhỏ làm bằng vàng, bạc và đồng, tất cả đều thể hiện cuộc sống xa hoa của quý tộc thời nhà Tần.