Một số nhà khảo cổ sẽ tiết lộ tàn tích của thành cổ 2.000 năm tuổi trên Con đường Tơ lụa cổ đại ở thành phố Tumushuke, phía tây bắc khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, Tân Hoa Xã ngày 7.5 dẫn lời các quan chức nước này.
Hãng tin nhà nước Trung Quốc cho biết, thành phố được gọi là Tangwang tồn tại trong giai đoạn giữa triều đại nhà Hán và nhà Đường.
Thành cổ này từng là một đô thị thịnh vượng trên Con đường Tơ lụa cổ đại, giáp với sa mạc Taklamakan.
Một số nhân vật nổi tiếng như Trương Khiên - sứ thần của triều Hán (202 trước Công nguyên - 220 sau Công nguyên) và Đường Huyền Trang - vị cao tăng đã đi đến Ấn Độ để tìm kiếm và nghiên cứu kinh sách Phật giáo, đã ghi dấu chân trên tuyến đường thương mại lịch sử quan trọng này.
Thành cổ Tangwang cũng từng nổi tiếng trong vai trò một trung tâm Phật giáo. Nhà Hán học người Pháp Paul Pelliot đã khai quật tàn tích 2 ngôi chùa Phật giáo ở đây năm 1906. Ông cũng khai quật được hơn 400 hiện vật văn hóa. Những cổ vật này đang được trưng bày ở Pháp.
Wang Jianxin - giáo sư khảo cổ đại học Northwestern University, cho biết: “Đó là một đô thị quan trọng trên Con đường Tơ lụa cổ đại. Chúng tôi hi vọng tiết lộ thành cổ này để nghiên cứu về cách thức truyền bá Phật giáo cũng như cách thức các vương quốc phong kiến trung ương quản lý với Tây Vực và hơn thế”.