Tuyển Nhật Bản đang có đội hình được đánh giá mạnh nhất trong lịch sử khi 20/26 cầu thủ của họ đang thi đấu tại các câu lạc bộ châu Âu, một số người còn là trụ cột ở các đội tên tuổi. Cụ thể hơn, có 10 ngôi sao trong số này đang thi đấu ở 5 giải hàng đầu lục địa già. Không một đội nào, thậm chí Hàn Quốc có thể sánh với Nhật Bản về sự "xuất khẩu" cầu thủ ở đội tuyển quốc gia sang châu Âu.
Còn nhớ 14 năm trước, ở World Cup 2010, tuyển Nhật Bản chỉ có 4 cầu thủ thi đấu ở nước ngoài. Sau đó, Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA) đã mở rộng hệ thống quan sát và tuyển trạch ở châu Âu, phối hợp với nâng sàn chất lượng bóng đá trong nước. Trong những kỳ World Cup gần đây, việc coi Nhật Bản là đội lót đường đã không còn. Chuyện "Samurai xanh" vượt qua được vòng bảng giờ là điều đương nhiên và có thể đi sâu chứ không đơn thuần dừng lại ở vòng 1/8.
Tại kỳ World Cup gần nhất, Nhật Bản đã tạo ra cú sốc lớn khi đánh bại cả Đức lẫn Tây Ban Nha ở vòng bảng. Thuyền trưởng Hajime Moriyasu rời giải với vinh quang chưa từng có được trong sự nghiệp. Chủ tịch JFA - Kozo Tajima khi đó đã nhận xét, chính Hajime Moriyasu đã nâng tầm bóng đá Nhật Bản, sánh ngang với các quốc gia lớn khác.
Nếu không có biến cố lớn ở Asian Cup 2023 về thành tích, Hajime Moriyasu sẽ tiếp tục dẫn dắt Samurai Blue ở World Cup 2026 và trở thành người đầu tiên dẫn dắt đội tuyển ở hai kỳ World Cup liên tiếp. Trong bối cảnh các học trò bắt đầu thể hiện được bản thân ở những giải đấu lớn tại châu Âu, liệu Moriyasu có được một cơ hội tốt như thế?
Cái khó đầu tiên với thuyền trưởng 55 tuổi là sự cô đơn bởi chỉ mình ông là người châu Á thật sự nổi tiếng trên băng ghế huấn luyện. Ange Postecoglou của Tottenham (người Australia) không phải người châu Á, chỉ có đội tuyển của quốc gia này mới thuộc AFC.
Postecoglou từng bị rất nhiều ánh mắt hoài nghi hướng vào khi chuyển từ Nhật Bản sang Scotland để làm ở Celtic. Sau đó, một lần nữa ông lại rơi vào tình cảnh đó khi chuyển từ Celtic sang Tottenham. Với môi trường bóng đá châu Âu, đặc biệt tại những nước lớn như Anh, các chuyên gia và người làm bóng đá thường không đánh giá cao với những chiến lược gia đến từ châu Á.
Còn nhớ khi Arsene Wenger mới đến Premier League vào thập niên 1990 của thế kỉ 20, chính Sir Alex Ferguson từng nói: "Anh ấy không có nhiều kinh nghiệm bởi chỉ đến từ nền bóng đá Nhật Bản".
Để trở thành một huấn luyện viên có tên tuổi ở châu Âu, bên cạnh trình độ chuyên môn, sự nổi tiếng trên truyền thông cũng là yếu tố không thể thiếu. Hầu hết các chiến lược gia ở những giải lớn tại lục địa già đều có ê-kíp đi kèm, thường là người đại diện và đội ngũ của người này. Các huấn luyện viên người Nhật Bản như Moriyasu không có điều đó và cũng không phải thói quen của họ. Đây là một rào cản lớn.
Sean Carroll, tác giả của cuốn sách "Between The Lines: Navigating The World Of Japan Football" viết về bóng đá Nhật Bản chia sẻ, thậm chí tại quê nhà, Moriyasu cũng không có nhiều người hâm mộ. Lý do bởi ông thầy 55 tuổi khá kín tiếng trước truyền thông và thường tỏ ra khá nghiêm nghị.
Trong khi đó, phóng viên Hideo Tamaru của tờ Kyodo News cho biết, tính cách của Moriyasu giống với đa phần đàn ông Nhật Bản ở tuổi trung niên. Họ thường không có đủ những yếu tố được cho sẽ phù hợp với môi trường bóng đá gắn liền với truyền thông như ngày nay.
"Moriyasu có thể không phải huấn luyện viên có sức hút. Tuy nhiên, cách ứng xử và khả năng truyền đạt thông tin của ông ấy rất tốt. Điều đó đã tạo nên nền tảng thành công của bóng đá Nhật Bản trong những năm trở lại đây.
Tính cách như vậy của Moriyasu sẽ khó hợp làm việc tại môi trường bóng đá châu Âu. Bên cạnh đó, ông ấy cũng cần phải nói được tiếng Anh ở mức khá nữa" - Tamaru chia sẻ.
Việc nói được tiếng bản địa khi làm việc tại một đội bóng tốt đến đâu, chưa thể có thước đo chính xác. Ví dụ, Marcelo Bielsa rất thành công với Leeds nhưng ông đều nói tiếng Tây Ban Nha trong thời gian cầm quân. Trong khi đó, David Moyes và Gary Neville đã thất bại thảm hại ở Tây Ban Nha. Các đội ở châu Âu sẽ không mạo hiểm như vậy nên họ vẫn ưu tiên mua một cầu thủ người Nhật Bản thay vì một huấn luyện viên ở quốc gia Đông Á này.
"Nếu một câu lạc bộ mua cầu thủ người Nhật Bản và anh ta đá không tốt, rất dễ dàng để trả lại J-League. Tuy nhiên, nếu hợp đồng đó là một huấn luyện viên, mọi thứ sẽ rất khó giải quyết nếu kết quả không tốt" - Carroll chia sẻ.
Một trong những rào cản nữa với Moriyasu là việc chính các huấn luyện viên bản địa cũng không phải trào lưu được J-League ưu tiên. Từ trước đến nay, giải vô địch quốc gia và đội tuyển quốc gia Nhật Bản vẫn chuộng dùng thầy ngoại. Trong quá khứ, đó là Arsene Wenger. Sau này, có thể kể đến một loạt cái tên như Falcao, Philippe Troussier, Zico, Ivica Osim, Alberto Zaccheroni.
Ngay trên sân nhà, Moriyasu cũng không phải là đại diện cho một xu hướng, ông là trường hợp quá đặc biệt. Khi các câu lạc bộ châu Âu tuyển chọn, họ thường nhắm đến các nền bóng đá có đa phần cá nhân phù hợp chứ không phải một trường hợp cá biệt như Moriyasu.
Sau Akira Nishino và giờ là Hajime Moriyasu, khi các huấn luyện viên người Nhật nâng cao được thành tích của Samurai Blue, quan điểm về thầy nội của J-League và JFA mới dần được thay đổi. Một trong những tiêu chí được quan tâm nhất là những người này đã huấn luyện được các ngôi sao đang chơi tốt ở châu Âu. Điều đó có nghĩa họ phải ở cùng hoặc hơn đẳng cấp so với các học trò.
Ngoài Moriyasu, một vài ngôi sao người Nhật cũng đang có khả năng được tiếp quản các đội ở 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu. Ví dụ như lão tướng Makoto Hasebe năm nay 39 tuổi và đã chơi ở Bundesliga từ năm 2008. Anh quá hiểu bóng đá Đức và các câu lạc bộ tại đây nên chuyện thích nghi và có thể nhập cuộc luôn không phải điều bất ngờ.