Từ một giai đoạn kim tiền
Bóng đá Việt Nam bắt đầu bước lên sân chơi chuyên nghiệp từ mùa giải 2000-2001. Đó là giai đoạn mà chúng ta chứng kiến hàng loạt các doanh nhân vung tiền làm bóng đá, điển hình nhất là bầu Đức. Ông đã chi ra những khoản tiền khổng lồ để đưa về HAGL những ngôi sao trong và ngoài nước. Thời điểm đó, V.League từng là điểm đến lý tưởng của nhiều cầu thủ ngoại cũng bởi yếu tố kim tiền. Cũng vì thế mà V.League từng có giai đoạn nhìn thấy rõ tiềm năng của sự phát triển lên chuyên nghiệp.
HAGL từng là sự lựa chọn hàng đầu của các ngôi sao Thái Lan như: Kiatisak, Chukiat Noosarung, Dusit, Sakda, Tawan… Đó cũng là thời kỳ mà người Thái trở thành một thế lực ở HAGL không chỉ trên sân bóng mà cả phòng thay đồ mà thủ lĩnh chính là Kiatiak.
Sau khi Kitisak chia tay HAGL trên cả cương vị cầu thủ và sau này là huấn luyện viên, cầu thủ Thái Lan không còn chọn Việt Nam làm điểm đến. Phải cho đến tận 10 năm sau, Kiatisak mới trở lại V.League theo lời mời từ bầu Đức. Tuy nhiên, đây là lần trở lại với một tâm thế khác. Kiatisak nhận lời dẫn dắt HAGL vì yếu tố tình cảm nhiều hơn câu chuyện nghề nghiệp. Bởi như Kiatisak chia sẻ thì có nhiều đội bóng V.League liên hệ nhưng ông không nhận lời, bầu Đức là một trường hợp đặc biệt. Bởi lẽ, V.League không phải là điểm đến cho một huấn luyện viên muốn phát triển sự nghiệp như Kiatisak.
Cũng vì thương vụ của Kiatisak mà nhiều người đã đặt ra một vấn đề là liệu có một trào lưu các cầu thủ Thái Lan đến V.League lần thứ 2? Kiatisak sẽ mang theo những cộng sự và cầu thủ nào để phục vụ mục tiêu “giải cứu” HAGL.
Một người cũ của HAGL là cựu danh thủ Dusit đang trong vai trò là huấn luyện viên của BG Pathum United tại Thai League đã đưa ra quan điểm khá thẳng thắn: “Nếu hỏi tôi các tuyển thủ Thái Lan có nên chuyển đến chơi cho HAGL tại V.League hay không thì tôi nghĩ là không. Không phải bây giờ. Các cầu thủ hàng đầu Thái Lan nếu quyết định ra nước ngoài thi đấu họ sẽ hướng đến Nhật Bản hay Hàn Quốc chứ không phải Việt Nam.
Nếu HAGL có bất kỳ lời đề nghị nào gửi đến BG Pathum United lúc này thì chắc chắn không ai đi cả. Không phải chúng tôi coi thường nhưng rõ ràng Thai League có trình độ cao hơn V.League. Vì vậy, nếu bạn muốn phát triển sự nghiệp nên đến các giải đấu có trình độ cao hơn như Nhật Bản hay Hàn Quốc”.
Nhìn vào thực trạng đó để thấy được rằng, V.League đang đứng ở đâu ở Đông Nam Á và lộ trình lên chuyên nghiệp của chúng ta tới đâu. Tiền vệ Lương Xuân Trường từng thất bại khi thi đấu cho Buriram chính là minh chứng rõ rệt nhất. V.League từng trải qua giai đoạn phát triển khi có dấu ấn của các doanh nhân, chỉ tiếc rằng, những nhà quản lý bóng đá đã không tận dụng được thời cơ đó để tìm một hướng đi căn cơ, bài bản. Thế nên, câu chuyện đào tạo trẻ mới chỉ thực sự được chú trọng khi HAGL trình làng lứa cầu thủ của Học viện khoá 1.
20 năm loay hoay lên chuyên nghiệp
V.League Awards 2020 có một ý nghĩa đặc biệt khi VPF lấy sự kiện này để đánh dấu “20 năm bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam”. Đây cũng là năm kết thúc một giai đoạn của “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Tuy nhiên, nhìn lại hành trình đi lên chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam vẫn còn đó những bất cập. Chính Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đã nói rằng, muốn có giải đấu chuyên nghiệp thì chúng ta phải có những câu lạc bộ chuyên nghiệp. Nhưng thực tế, nhiều câu lạc bộ của V.League chưa chuyên nghiệp.
Theo báo cáo thì có 4/14 câu lạc bộ V.League vẫn chưa đáp ứng tiêu chí cấp phép chuyên nghiệp. Đây là thực trạng mà mùa giải nào cũng có. Căn cứ vào hoàn cảnh thực tế mà VFF, VPF đã phải đặc cách để các đội bóng này được phép tham dự V.League. Nhưng hệ luỵ của vấn đề đó chính là việc các đội bóng không được nâng cao ý thức chuyên nghiệp.
Đại hội đồng cổ đồng VPF nhiệm kỳ 2020-2023 diễn ra hôm 28.11 đã bầu ra một Hội đồng quản trị mới với nhiệm vụ sẽ nâng cao chất lượng các giải chuyên nghiệp quốc gia. Trong số này có sự góp mặt của hai nhân vật đáng chú ý, đó là ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch CLB Hải Phòng và ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Đây là 2 trong số 4 đội bóng không đủ tiêu chí cấp phép chuyên nghiệp. Đây là vấn đề được xem là bất cập khi những người điều hành VPF còn chưa hoàn thành nhiệm vụ ở cấp CLB của mình.
Đó là câu chuyện của thượng tầng. Với VFF và VPF nếu không mạnh tay hơn trong việc siết chặt quản lý các tiêu chí cấp phép chuyên nghiệp ngay từ bây giờ, rất khó để nâng cao ý thức các đội bóng. Buông lỏng quản lý cũng chính là V.League tự đánh mất đi chữ “chuyên” của mình.