Tránh bị “cò đất” bẻ lái
Nắm bắt thông tin dự án Vành đai 4 đang được đẩy nhanh tiến độ, nhiều người dân gần đây đã liên tục đổ xô về địa phận xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) để rót vốn đầu tư kiếm lời. Đón sóng từ hồi đầu năm, nhiều người dân tại thôn Hữu Thượng (xã Thanh Xuân) đã tranh thủ vừa bán hàng nước giải khát, vừa kiêm việc tư vấn cho những ai có nhu cầu ôm đất "vàng" tại đây.
Hay ngay từ khi có thông tin dự án, dọc theo tuyến đường Tân Hội (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức), nhiều trung tâm môi giới bất động sản đã liên tục mọc lên như nấm sau mưa. Thậm chí, một số cửa hàng sửa xe, trung tâm dịch vụ hoả táng, hàng quán bán đồ ăn sáng..., chỉ sau một thời gian ngắn đã nhanh chóng "lột xác", chuyển đổi thành nơi tư vấn nhà đất chuyên nghiệp.
Trước những vấn đề này, trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nói rằng việc chạy theo quy hoạch, hạ tầng, có nhà đầu tư sẽ may mắn thắng lớn, nhưng cũng không ít nhà đầu tư "vỡ mộng". Theo ông Điệp, nhiều dự án hạ tầng đến khi khởi công hoặc khánh thành lại không tạo giá trị cao, bởi thời gian chuẩn bị rất lâu, đến khi khởi công chính thức, mọi giá trị gia tăng, trong đó có cả giá kỳ vọng đều đã được “cơn sốt” trước đó cộng hết vào. Nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh chôn vốn, thậm chí lỗ lớn.
“Những thông tin về quy hoạch, về đầu tư những dự án cơ sở hạ tầng giao thông đã tác động một phần tiêu cực đến thị trường bất động sản nói chung, vì khi nghe được thông tin này, thị trường xuất hiện việc đầu tư, đầu cơ đất. Đối với nhà đầu tư cá nhân, không phải cứ mua nhà gần đường là có lời. Phải hình thành khu đô thị, khu dân cư thì mới có câu chuyện giá trị đất, bất động sản được nâng lên.
Do vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc bài toán đầu tư hợp lý, đặc biệt là trong trường hợp có sử dụng đòn bẩy tài chính. Nếu tốc độ tăng giá bất động sản thấp hơn chi phí tài chính mà nhà đầu tư phải gồng gánh thì sẽ rất là đau đầu”, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nhấn mạnh.
Nhiều nguyên nhân khiến bất động sản tăng giá
Đồng quan điểm, chuyên gia bất động sản, PGS-TS. Nguyễn Quang Tuyến - Đại học Luật Hà Nội cho rằng, khi dự án hạ tầng được công bố, nhà đầu tư đổ về đây mua gom đất, chờ tăng giá. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ thời hạn triển khai dự án, những yếu tố có thể cộng vào giá, kể cả mức tăng kỳ vọng; đồng thời, căn cứ vào nhu cầu thực tế, tiềm lực của nơi đó có thể phát triển bất động sản được hay không mới quyết định đầu tư.
Trong khi đó, một lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, thời gian qua, giá bất động sản ở nhiều địa phương tăng. Hiện tượng tăng giá bất động sản có nhiều nguyên nhân khác nhau như dân số tăng, kinh tế phát triển, công nghiệp hóa, đô thị hóa nhưng nguồn cung chưa kịp đáp ứng dẫn đến lệch pha cung cầu.
Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân do chuyển dịch dòng vốn đầu tư để đảm bảo an toàn khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh… Giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... gây nhiễu loạn thông tin để "thổi giá" nhằm thu lợi bất chính... Giá cả thị trường nguyên, nhiên, vật liệu và chi phí đầu vào dự án bất động sản tăng cũng là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm bất động sản tăng theo…
Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết, đề án quy hoạch nội đô lịch sử và giảm dân số sinh sống trong khu vực nội đô đã phần nào tác động tới việc phát triển nhà ở khu vực ngoài trung tâm. Do đó, nếu tiếp tục mở rộng hạ tầng giao thông như các tuyến vành đai mới thì sẽ đẩy nhanh việc hình thành các đại đô thị, siêu đô thị mới, từ đó đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân Thủ đô.