Năm 2018, vượt mục tiêu 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo Bộ NNPTNT, tính đến ngày 30.9, cả nước có khoảng 3.542 xã (39,7%) được công nhận đạt chuẩn NTM (dự kiến đến hết năm 2018 sẽ vượt mục tiêu 40% số xã đạt chuẩn), tăng 473 xã (5,3%) so với cuối năm 2017; bình quân cả nước đạt 14,33 tiêu chí/xã, tăng 0,15 tiêu chí so với cuối năm 2017; còn 80 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 33 xã so với cuối năm 2017 (dự kiến đến hết năm 2018 còn dưới 60 xã, hoàn thành mục tiêu năm 2018). Về số huyện đạt chuẩn NTM, có 55 đơn vị cấp huyện thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tăng 12 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2017 (hoàn thành vượt mục tiêu đề ra đến hết năm 2018 có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM).
Ngoài các kết quả nêu trên, nhiều địa phương đã bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về giải pháp xây dựng NTM cấp thôn, bản cho những vùng đặc thù, khó khăn. Đây là những nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong xây dựng NTM, phát triển kinh tế xã hội, kinh tế nông thôn.
Xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì kết quả xây dựng NTM còn chưa đồng đều, sự chuyển biến phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhìn chung còn chậm, tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo (theo đúng chuyên môn sản xuất sản phẩm lợi thế) và năng suất lao động KVNT đạt thấp; công tác quản lý chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, quản lý nhà nước còn yếu và bất cập về định hướng quy hoạch sản xuất, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, kết nối thị trường; kinh tế nông thôn phát triển không đồng đều, cùng các vấn đề về ô nhiễm môi trường, sự dịch chuyển lao động trẻ có trình độ từ nông thôn ra thành thị, làm ảnh hưởng chung phát triển kinh tế xã hội, kinh tế nông thôn, cũng như tiến trình và chất lượng xây dựng NTM hiện nay. Đặc biệt, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân là nhiệm vụ cốt lõi của xây dựng NTM nhưng vẫn đang là vấn đề khó nhất của Chương trình xây dựng NTM.
Để có thể giải quyết được căn bản những yếu kém, hạn chế nêu trên, cần đặc biệt chú ý phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, chú trọng các nguồn lực tại chỗ sẵn có làm động lực phát triển (đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý, công nghệ, lòng tự hào, khả năng sáng tạo, văn hoá...) thông qua phong trào mỗi làng một sản phẩm (OVOP). Qua kinh nghiệm thành công của một số nước trong khu vực về phong trào OVOP, vận dụng linh hoạt chính sách phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ, trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, nhiều địa phương đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo các mô hình phát triển kinh tế nông thôn.
Thành phố Vinh thực hiện cuộc thi mẫu “Xã nông thôn mới đẹp năm 2018”
Cuộc thi nhằm phát hiện, tôn vinh những xã tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng NTM ngày càng rộng khắp, đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Thông qua cuộc thi, sẽ chọn ra xã NTM đẹp làm mẫu, tạo tiền đề vững chắc cho việc duy trì, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM tại các xã trên địa bàn thành phố.