Đảm bảo các giá trị bình đẳng và bình đẳng giới ở nơi làm việc là chỉ tiêu quan trọng của Mục tiêu bình đẳng giới (mục tiêu thứ 5) đã được đề cập trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể và được ghi nhận là điểm sáng trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới, song vẫn còn đó những thách thức mang tính truyền thồng và những thách thức của bối cảnh mới, đe dọa đến sự đảm bảo những kết quả đã đạt được cũng như tiến tới các mục tiêu mới. Do đó, cần sự nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp chính phủ, bộ, ngành, địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và đặc biệt từ chính khu vực doanh nghiệp và cộng đồng.
Trao đổi với báo chí, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - cho rằng: “Trao quyền cho phụ nữ và tăng quyền năng cho phụ nữ đang là một xu hướng lớn của thế giới hiện đại. Phụ nữ và lao động nữ đang trở thành một trong những động lực chính trong sự phát triển toàn cầu. Đây không chỉ là việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn thực sự đóng vai trò động lực của tăng trưởng.
Với xu thế của cuộc cách mạng 4.0, một nền kinh tế bao trùm hơn và nhân văn hơn thì vai trò của phụ nữ rất là quan trọng. Một trong những khó khăn của Doanh nghiệp khi sử dụng lao động nữ là chi phí của Doanh nghiệp, chi phí về lao động hay là chi phí về công tác an sinh, chăm sóc sức khỏe có thể là lớn hơn so với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nam. Tuy nhiên doanh nghiệp sẽ được bù lại, bởi vì đó là những khoản đầu tư cho phát triển, cho chiếm lĩnh thị trường, cho chiếm lĩnh cảm tình của người tiêu dùng và của xã hội. Và mặt khác cũng phải nói rằng, chúng ta đang tiến tới một nền kinh tế bao trùm hơn, nhân văn hơn và sáng tạo hơn”.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Giáo sư Lê Quân đã chỉ ra hàng loạt các thách thức còn tồn tại như khoảng cách giới trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp; phụ nữ vẫn khó khăn hơn nam giới trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là các nhóm lao động nữ nghèo, nữ nông thôn, nữ di cư, nữ dân tộc thiểu số.
Thu nhập giữa lao động nữ và lao động nam vẫn còn chênh lệch, xét trong cả giai đoạn 2009-2016, tiền lương bình quân của nữ luôn thấp hơn của nam, mức chênh lệch tương đương khoảng 30USD, trên tổng mức lương chưa đạt 200USD/tháng. Phần lớn những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn chưa vượt qua được quy mô siêu nhỏ, hoạt động không chính thức, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp... Bên cạnh đó, xét về vị thế làm việc, lao động nữ làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương hơn nhiều hơn so với lao động nam”.
Thứ trưởng khẳng định, phát triển bền vững gắn với giá trị bình đẳng đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy và đảm bảo các giá trị bình đẳng và công bằng, cuối cùng sẽ đạt được mục tiêu về hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và sự phát triển và thịnh vượng của nền kinh tế.