Tờ Helsingin Sanomat của Phần Lan ngày 30.4 cho hay, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đặt thời hạn ngày 20.5 để các nhà chức trách Phần Lan đưa ra phản hồi cuối cùng về việc liệu nước này có thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp hay không.
Cơ chế thanh toán mới cho "các quốc gia không thân thiện" đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố vào tháng 3 nhằm đáp trả trừng phạt của các nước phương Tây đối với Nga về cuộc tấn công quân sự vào Ukraina.
Ngày 28.4, Bộ trưởng Bộ các vấn đề Châu Âu của Phần Lan, bà Tytti Tuppurainen, cho biết Helsinki sẽ không chấp nhận "vụ tống tiền này" và công ty năng lượng Phần Lan Gasum sẽ tuân theo các thỏa thuận trước đó với Nga.
“Chúng tôi sẽ không trả bằng đồng rúp. Các công ty phải thực hiện điều này trong khuôn khổ hợp đồng của riêng họ với đối tác Nga” - bà Tuppurainen nói.
Tờ Helsingin Sanomat cho biết, dòng khí đốt của Nga đến Phần Lan và “phần lớn Châu Âu” có thể ngừng vào ngày 21.5 vì thời hạn chót giống nhau đối với nhiều nước.
Không giống như các quốc gia Trung và Đông Âu, sự phụ thuộc của Phần Lan vào khí đốt của Nga là tương đối nhỏ. Năm ngoái, khí đốt chỉ chiếm khoảng 5% tổng năng lượng tiêu thụ và các hộ gia đình sống dựa vào khí đốt đã được bảo vệ bằng các biện pháp khẩn cấp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty hóa chất và chế biến gỗ, sử dụng khí đốt làm nguyên liệu thô, có thể rơi vào tình thế dễ bị tổn thương hơn. Họ đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong một thời gian.
Nhà máy lọc nhiên liệu Neste - có nhà máy lọc dầu Porvoo là một trong những nhà máy sử dụng khí đốt lớn nhất của đất nước - đã thử nghiệm việc thay thế khí đốt tự nhiên bằng khí propan. Theo giám đốc điều hành Neste Peter Vanacker, công ty “ngày càng tự tin” rằng họ sẽ có thể quản lý việc cắt giảm nguồn cung.
Vào tháng 4, Ủy ban Châu Âu cho biết có thể có nhiều cách để thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp mà không vi phạm các lệnh trừng phạt. Bất chấp điều đó, một số quốc gia phương Tây đã từ chối làm như vậy, nói rằng họ không muốn “tài trợ cho cuộc chiến của Nga”.
Vào cuối tháng 4, Gazprom thông báo ngừng xuất khẩu khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria sau khi cả hai nước từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Tuy nhiên, theo người phát ngôn của Gazprom, ông Sergey Kupriyanov, Warsaw vẫn tiếp tục mua khí đốt của Nga thông qua dòng chảy ngược.
Vài ngày trước, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói rằng một số công ty Châu Âu nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga đã đồng ý với kế hoạch thanh toán của Mátxcơva, nhưng không muốn nói công khai.
Trước đó, Nga đã cung cấp khí đốt qua đường ống dẫn khí cho tổng cộng 23 quốc gia Châu Âu.