Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 diễn ra sáng 10.1, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao số 02 Lê Quang Đạo, Hà Nội. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng với công tác của ngành ngoại giao, tổng kết công tác 2022 đề ra phương hướng 2023.
Hội nghị cũng là dịp để toàn ngành ngoại giao quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với các địa phương diễn ra cách đây ít ngày.
Nhìn lại 2022, thế giới có những biến động lớn, có những vấn đề ngoài dự báo thông thường, phức tạp và khó khăn hơn trước, trong đó có cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng quyết liệt, xung đột Nga - Ukraina...
Trong nước, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn, vừa phải khắc phục những yếu kém nội tại, xử lý hệ lụy của COVID-19 vừa phải tiếp tục đối phó với những tác động tiêu cực của biến động thế giới.
"Trong ngành ngoại giao nảy sinh vụ việc chưa từng có tiền lệ, tác động đến tâm tư, tình cảm của các thế hệ cán bộ ngoại giao" - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, trong năm 2022, ngành ngoại giao đã trải qua thử thách, khó khăn lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, thực hiện cả nhiệm vụ đối ngoại và nhiệm vụ xây dựng và phát triển ngành ngoại giao.
Công việc hết sức nặng nề và phức tạp. Vừa phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, vừa phải giải quyết những vấn đề tồn đọng, kéo dài, vừa phải xử lý các vấn đề mới phát sinh đồng thời tạo lập nền tảng căn cơ lâu dài cho triển khai đối ngoại và ngoại giao.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành ngoại giao vẫn còn những tồn tại hạn chế do khách quan va chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, việc phát hiện, nắm bắt thời cơ, vận hội chưa thực sự nhạy bén, sự phối hợp trong ngành ngoại giao và giữa các ngành, các cấp trong một số vấn đề, có lúc, có việc còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; Tư duy, năng lực trình độ của một bộ phận cán bộ ngoại giao chưa theo kịp với yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn phát triển mới của đất nước...
Nhìn lại kết quả công tác đối ngoại và ngành ngoại giao năm 2022 gồm cả những mặt tốt và cả tồn tại, hạn chế đã làm sâu sắc hơn bài học lớn về đối ngoại, đồng thời giúp ngoại giao trưởng thành, bản lĩnh hơn và tích lũy thêm những bài học kinh nghiệm có giá trị. Đó là:
Một là, giữ gìn và phát huy bản sắc ngoại giao "cây tre Việt Nam", trước những diễn biến, tình huống khó khăn thử thách cần luôn bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại, trên cơ sở kiên định độc lập tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc, tôn trọng luật pháp quốc tế đồng thời uyển chuyển linh hoạt, đổi mới sáng tạo trong sách lược, thích ứng với tình hình mới, nhạy bén nắm bắt cơ hội biến nguy thành cơ.
Thứ hai, tăng cường dự báo tham mưu đối ngoại, đánh giá đúng tình hình, biết mình, biết người, biết thời, biết thế để luôn giữ thế chủ động, biết cương, biết nhu, biết tiến biết thoái trước những diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình.
Thứ ba, luôn coi trọng xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ trong ngành ngoại giao. Giữ nghiêm kỷ luật kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát.