Biến ĐBSCL thành khu vực giàu có của Việt Nam: Phải giữ được đất, giữ được nước, giữ được người!

NHẬT HỒ - TRẦN LƯU |

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lạc quan tin tưởng vào tương lai của vùng đất này. Thủ tướng cho rằng, cần phải có cái nhìn toàn diện với quyết tâm biến thách thức thành thời cơ. Tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là kiến tạo phát triển bền vững ĐBSCL, nâng cao đời sống của hơn 20 triệu người dân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu sáng 27.9.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu sáng 27.9. 

Cần sự phối hợp đồng bộ vì ĐBSCL

Hầu hết các địa phương đều kiến nghị cần có sự thay đổi trong cách tiếp cận để ĐBSCL phát triển. Cụ thể, cần có những quy hoạch từng ngành, lĩnh vực, có sự kiên kết trên các lĩnh vực GTVT, đầu tư, thủy lợi… Ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - đề nghị cần có sự đầu tư mạnh mẽ cho sự chuyển đổi mô hình sản xuất từ ngọt sang lợ - mặn. Ông Thể nhấn mạnh: “Cần có dự báo và đầu tư đồng bộ trước thách thức của BĐKH. Cần xác định rõ lộ trình của BĐKH để có cách ứng phó. Bởi trước diễn biến cực đoan của thời tiết, nếu xảy ra lốc xoáy, bão thì người dân ĐBSCL sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề”.

Ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho rằng địa phương có nguồn thu thấp, thu không đủ chi, nguồn lực của địa phương có giới hạn, nên rất cần sự quan tâm đầu tư của các bộ, ngành, T.Ư dù tỉnh đã cố gắng trong thu hút đầu tư. Trong khi đó, ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tỉnh tự nhận mình là tỉnh “vùng trên” - kiến nghị: “Tái cơ cấu lại các ngành kinh tế trong vùng, xác định lại vai trò của từng tỉnh trong phát triển KTXH và xem xét thấu đáo bài toán an ninh lương thực. Chính phủ cần ban hành Nghị quyết về phát triển vùng với cơ chế tổ chức thực hiện linh hoạt và quyết tâm cao nhất. Bộ KHĐT sớm lập và ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH”.

Hầu hết các địa phương đều kêu thiếu quy hoạch cho sự phát triển bền vững ĐBSCL. Tuy nhiên, trái với các ý kiến của địa phương, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng hiện nay tại khu vực ĐBSCL có trên 2.500 quy hoạch được lập. Riêng quy hoạch cấp vùng hiện có tới 22 bản quy hoạch, bao gồm 3 quy hoạch về phát triển KTXH; 5 quy hoạch về xây dựng; 7 quy hoạch về phát triển nông nghiệp nông thôn; 7 quy hoạch phát triển một số ngành, lĩnh vực.

Liên quan đến việc huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực cho phát triển ĐBSCL, Bộ KHĐT nêu thực tế: Có nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của BĐKH đối với tương lai vùng, xem việc này là trách nhiệm của T.Ư. Bộ KHĐT dẫn chứng: “Việc đề xuất các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017-2020, chỉ có duy nhất một địa phương trong vùng đề xuất sử dụng nguồn vốn này để cho dự án thủy lợi”.

Sạt lở bờ sông đang diễn ra rất nhanh tại ĐBSCL. Ảnh: NHẬT HỒ
Sạt lở bờ sông đang diễn ra rất nhanh tại ĐBSCL. Ảnh: NHẬT HỒ

Biến thách thức thành cơ hội

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, nguồn nước cho ĐBSCL là rất quan trọng. BĐKH là thách thức đối với nguồn nước, nhưng không vì thế mà người dân đành “bó tay”. “Tại sao chúng ta không sử dụng tốt nguồn nước trong điều kiện có bao nhiêu xài bao nhiêu. Xài theo kiểu tiết kiệm. Ở đây tiết kiệm nguồn nước bằng cách chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sử dụng nguồn nước hợp lý”.

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho rằng: “Phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm. Tài nguyên nước đã làm nên đồng bằng và đồng bằng cũng cần thay đổi ứng xử với nguồn tài nguyên này”. Theo Bộ TNMT, thách thức của BĐKH đối với ĐBSCL đã rõ, nhưng bên cạnh đó cũng tạo cơ hội cho ĐBSCL phát triển, đó là thúc đẩy thay đổi tư duy nhận thức, chuyển đổi mô hình phát triển mới dựa trên khai thác cạn kiệt tài nguyên sang mô hình thân thiện với tự nhiên, bền vững, chống chịu cao; thúc đẩy hợp tác, tranh thủ hỗ trợ nguồn lực tài chính, chuyển giao công nghệ.

Thực tế nhiều DN lớn tại ĐBSCL cũng đã chuyển dần sản xuất từ khai thác tài nguyên sang thân thiện với môi trường đem đến hiệu quả cao. Đó là Tập đoàn Minh Phú đã chuyển từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, sang mô hình tôm - rừng; tôm sinh thái. Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú - nhận định: “Mô hình sinh thái tôm - rừng hiệu quả khá cao. Chúng tôi dựa vào thiên nhiên để nuôi tôm vừa có sản phẩm sạch, vừa bảo vệ rừng”.

Sản xuất nông nghiệp được rất nhiều đại biểu quan tâm vì nó rất dễ tổn thương trước diễn biến của BĐKH. Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, trong 5 năm tới phải giải quyết bộ giống của 3 nhóm sản phẩm: Thủy sản, trái cây, lúa gạo, đưa ra được những giống đáp ứng được sản xuất, cạnh tranh. Cần sửa nhanh Nghị định 210 tháo gỡ nút thắt về đất đai; có văn bản quy định để vùng này phải giữ nguyên được diện tích rừng còn lại; cho làm điểm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng mới, đất mới; tập trung xử lý 40 điểm sạt lở ở biển, sông, tổng số đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng.

26 ý kiến phát biểu giửi đến hội nghị tâm huyết tập trung kiến nghị đến những tác động bên ngoài lẫn bên trong đến ĐBSCL. Các tham luận đề ra những ứng phó: sạt lở biển, bờ sông; thiếu nước ngọt, bảo vệ đất đai, bảo vệ nguồn nước. Các ý kiến đề xuất nguồn lực phát triển, trong đó chú ý đến cân đối nguồn lực, hoàn chỉnh thể chế chính sách; mô hình quản lý.

Bên lề hội nghị, ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với Ủy ban Quốc tế sông Mekong để giúp Việt Nam thực hiện dự án quy hoạch tổng thể ĐBSCL với mục tiêu dựa trên kiến thức hiện có về hiện trạng của đồng bằng để đề ra các giải pháp, chiến lược lâu dài. Về vấn đề kinh phí, chúng tôi có Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL, không chỉ hỗ trợ phát triển kinh tế mà còn giúp cải thiện chất lượng sống cho cộng đồng dân cư khu vực sông Mekong.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang làm việc với Bộ Xây dựng để tiến hành kế hoạch xây dựng hệ thống cung cấp nước ngọt ổn định cho 7 tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ”. Ông Ousmane Dione nhấn mạnh: “Mối quan hệ giữa Ngân hàng Thế giới và Việt Nam là mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài được xây dựng dựa trên sự tin tưởng, không đòi hỏi bất kỳ điều kiện gì. Điều chúng tôi quan tâm là sự phối hợp hiệu quả giữa hai bên để tạo ra những kết quả tích cực, mang lại một tương lai tươi sáng cho ĐBSCL”.

1 tỉ USD đầu tư cho ĐBSCL

Thủ tướng Chính phủ cho biết, sẽ cố gắng tìm các nguồn đầu tư khác trong đó có ODA, WB để hỗ trợ cho ĐBSCL. Trong khi đó các nước cam kết viện trợ, đầu tư mạnh cho vùng đất bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) này.

Đại sứ CH Liên bang Đức tại Việt Nam Christian Berger khẳng định, Chính phủ Đức sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong giải quyết những thách thức; đẩy mạnh chuyển đổi, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tạo giá trị cao hơn; phối hợp thực hiện hiệu quả các dự án chống sạt lở, sụt lún; có giải pháp thu hút đầu tư, quản lý hiệu quả nguồn nước; huy động, sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả...

Đại sứ Úc tại Việt Nam nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai quốc gia trong nhiều năm qua và khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam trong câu chuyện thích ứng BĐKH. Đến nay, Úc đã “rót” cho ĐBSCL 513 triệu USD không chỉ viện trợ mà còn thông qua nhiều dự án đầu tư khác.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam cho biết cam kết sẽ có gói hỗ trợ cho Việt Nam thông qua các dự án công trình và phi công trình.

Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam hhẳng định Hà Lan cùng các đối tác phát triển sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này, Đại sứ khuyến nghị các giải pháp liên quan đến hoàn thiện khung chính sách, kiện toàn về tổ chức, thống nhất về quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm nguồn lực tài chính... trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kiến nghị giữ 227.000ha rừng

Trước diễn biến của thời tiết ảnh hưởng của BĐKH, các đại biểu đề nghị giữ cho được 227.000ha rừng hiện có tại khu vực ĐBSCL. Đặc biệt là 63.000ha rừng ngập mặn ven biển không được chuyển đổi dưới bất kỳ hình thức nào trừ nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Có cơ chế khuyến khích đủ sức hấp dẫn các thành phần kinh tế tạo đất, rừng mới giữ bờ biển, lấn bờ biển bằng chính sách giao đất thời hạn dài hơn 50 năm với diện tích đất rừng mới được tạo ra. NHẬT HỒ - TRẦN LƯU

NHẬT HỒ - TRẦN LƯU
TIN LIÊN QUAN

Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến.

Sập giàn giáo ở Ninh Bình khiến 2 người tử vong

NGUYỄN TRƯỜNG |

Trong lúc các công nhân đang tiến hành đổ bêtông tại một nhà xưởng ở xã Ninh An (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) không may giàn giáo bị sập khiến 2 người tử vong.

Israel bị nghi lên kế hoạch vụ nổ máy nhắn tin trong 15 năm

Song Minh |

Tình báo Israel được cho là đã lên kế hoạch từ lâu cho việc tấn công bằng cách kích nổ các thiết bị liên lạc như máy nhắn tin.

Tranh cãi học vấn của Kỳ Duyên và chuyện giáo dục ở showbiz

Mi Lan |

Khi Kỳ Duyên tuyên bố "chưa từng đọc hết một cuốn sách", và thông tin cô chưa tốt nghiệp đại học bị lộ ra, có ý kiến bình luận, "nhiều scandal là có lý do".

Khởi công xây khu tái định cư cho người dân vùng lũ Làng Nủ

Đinh Đại |

Chiều 21.9, UBND tỉnh Lào Cai tiến hành khởi công xây dựng, tái thiết khu dân cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.

Lo lắng, mệt mỏi sống chung với nước ngập ở Cần Thơ

YẾN PHƯƠNG - TẠ QUANG |

Cần Thơ - Sống chung với nước ngập, nhiều gia đình gần công trình Âu thuyền Cái Khế lo người già, trẻ nhỏ bị ảnh hưởng sức khỏe.

Nhiều phụ huynh "sợ" về các khoản thu đầu năm học mới

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Đi họp phụ huynh, được thông báo về các khoản đóng góp cho con đầu năm học, nhiều bậc cha mẹ thấy "sợ" vì quá nhiều khoản.

Tam Đảo trước đêm diễn từ thiện của Tuấn Hưng - Duy Mạnh

Bảo Nguyên |

Đêm diễn của Tuấn HưngDuy Mạnh tối 21.9 tại Tam Đảo được chú ý do 2 ca sĩ thường xuyên giận dỗi nhau nhưng lại tái hợp để gây quỹ giúp đồng bào vùng lũ.