Sáng 14.9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 48. Tại phiên họp, thừa uỷ quyền của Chính phủ, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an đã trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 (từ ngày 1.10.2019 đến 31.7.2020).
Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đã chủ động nắm, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực để tham mưu và thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Trong thời gian qua, các lực lượng công an đã triệt phá 2.485 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm 3,19% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ năm 2019.
Lực lượng chức năng đã phát hiện 17.887 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 25,19%); khởi tố 228 vụ, 492 bị can phạm tội về tham nhũng; 23 vụ, 158 bị can phạm tội về chức vụ bị khởi tố. 19.682 vụ vi phạm pháp luật về môi trường được phát hiện; cơ quan điều tra đã khởi tố 347 vụ, 357 bị can.
Về tội phạm ma tuý, công an đã phát hiện 24.842 vụ, 40.461 đối tượng, thu giữ trên 580kg heroin, gần 3,2 tấn và gần 1,7 triệu viên ma túy tổng hợp. Tuy nhiên, tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp; hoạt động của tội phạm ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài giảm, song ma túy tổng hợp từ Lào, Campuchia được vận chuyển vào Việt Nam tiếp tục có xu hướng gia tăng....
Nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng cho rằng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn một số tồn tại, thiếu sót chưa theo kịp với sự phát triển của tình hình, còn sơ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động. Còn để xảy ra vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm...
Các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực. Tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng. Hoạt động nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 tái bùng phát.
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm với các thủ đoạn như lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
“Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam...” – Thứ trưởng Bộ Công an nói.
Thượng tướng Lê Quý Vương cũng cho biết, thời gian tới Công an sẽ mở các cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm; tập trung đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để gây án, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
“Chủ động phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế, buôn lậu, tham nhũng, chức vụ; tội phạm về môi trường, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19” – Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh