Sáng 19.7, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 và tổng kết việc thực hiện tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm chuẩn bị tài liệu phục vụ kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, hiện nay Bộ Nội vụ đang xây dựng Báo cáo tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14; báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chí và phân loại hành chính.
Theo Bộ Nội vụ, nhìn chung việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã vừa qua là rất tốt, hiệu quả, đã đạt được mục tiêu đặt ra, đúng với chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chí và phân loại đơn vị hành chính.
Về thông tin Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, ông Thăng cho biết, Bộ nội vụ chưa đề nghị lên Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, sáp nhật bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào. Vì đây là một vấn đề quan trọng, cần được nghiên cứu thấu đáo, thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở lý luận và thực tiễn.
Hiện Bộ nội vụ đang tập trung nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và tổng kết thực tiễn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và cần phải lấy ý kiến rộng rãi, nhiều vòng.
Đây là nhiệm vụ quan trọng, cần ưu tiên thực hiện nhằm tham mưu cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi một số điều quy định về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi, bổ sung này mới chỉ là bước đầu, còn một số nội dung tiếp tục phải thực hiện.
Ngoài 2 tiêu chí như diện tích tự nhiên và quy mô dân số thì còn một số vấn đề như vị trí địa chính trị, lịch sử, văn hóa, truyền thông và lối sống của cộng đồng dân cư, yếu tố về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quy hoạch vùng và quốc gia, yêu cầu phát triển kinh tế, lối sống cộng đồng dân cư.
Do vậy, vấn đề này rất cần phải lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cũng như ý kiến của người dân để tổng hợp đầy đủ thông tin làm cơ sở hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 để sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trên cơ sở tiêu chuẩn của đơn vị hành chính được Ủy ban Thường vụ Quốc khóa XV thông qua, Bộ Nội vụ tiếp tục đề xuất đẩy mạnh việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022-2026 kết hợp với tiếp tục sắp xếp thôn, tổ dân phố theo chủ trương của Đảng, nghị quyết của của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, việc đề xuất thí điểm mới chỉ ở bước đầu của việc nghiên cứu, xem xét, hoàn thiện, bổ sung cơ sở pháp lý nhất là sửa đổi Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13. Vì đây là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, cần được chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, công phu và phải đánh giá tác động nhiều chiều. Việc này nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và điều kiện thực tiễn của từng địa phương trên tinh thần phải đảm bảo mục tiêu ổn định và phát triển.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, cần phải có đủ thời gian để khảo sát, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện đề án rất toàn diện, kỹ lưỡng, thận trọng, cụ thể và hợp lý. Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.
Trước đó, trên cơ sở hiệu quả của việc sáp nhập một số huyện, xã, Bộ Nội vụ tiếp tục đề xuất thí điểm sáp nhập một số tỉnh giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo dự thảo sẽ thực hiện làm điểm việc sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, có khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng an ninh.
Đối với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh được phân ra hai loại, tỉnh miền núi và tỉnh không phải miền núi. Về quy mô dân số: Đối với tỉnh miền núi, vùng cao, có quy mô dân số từ 900 nghìn người trở lên. Trường hợp tỉnh có diện tích tự nhiên rộng từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn được quy định thì quy mô dân số từ 700 nghìn người trở lên. Đối với những tỉnh không phải miền núi thì quy mô dân số từ 1,4 triệu người trở lên. Về diện tích tự nhiên, tỉnh miền núi, vùng cao từ 8.000 km2 trở lên, tỉnh không phải miền núi từ 5.000 km2 trở lên.
Xung quanh đề xuất sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh này đã thu hút sự chú ý, quan tâm rất lớn của dư luận. Chính vì vậy, Bộ Nội vụ đã tổ chức họp báo giải đáp thắc mắc của dư luận xung quanh vấn đề này.