Cho ý kiến về phạm vi đối tượng kê khai tài sản được đưa ra trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), ĐB Trương Trọng Nghĩa dẫn ra ví dụ vừa qua có chuyện tài sản của nhiều quan chức lớn lại đứng tên cha mẹ. “Họ là cán bộ hưu trí nhưng đứng tên tài sản rất lớn. Nếu như chúng ta quy định như dự thảo luật thì theo tôi là chưa có giải pháp xử lý vấn đề cán bộ tuồn tài sản cho người thân”, ông Nghĩa nói.
Về vấn đề xác minh tài sản, ông Nghĩa cho rằng những kẻ tham nhũng lớn, có nhóm lợi ích thường đưa tài sản ra nước ngoài. Nếu luật này không giúp cho cơ quan chức năng điều tra tài sản ở nước ngoài thì vẫn là bế tắc.
“Chúng ta có các bước rất căn bản là kê khai, xác minh xong nếu không giải trình được thì có nên thu hồi tài sản? Vào công chức làm trong vòng vài chục năm, anh buôn chổi đót, làm xe ôm liệu có vài trăm tỉ đồng không?. Chúng tôi nhận được nhiều ý kiến cử tri đề nghị là nếu xác minh, không giải trình được tài sản thì thu hồi. Nếu chúng ta có bỏ tù, tử hình tội phạm tham nhũng mà vẫn không thu hồi được tài sản tham nhũng thì cũng là không hiệu quả”, ông Nghĩa nói.
Còn Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an lại cho rằng, muốn chống được tham nhũng thì minh bạch, công khai là yêu cầu số 1 nhưng hình như dự thảo lại không đề cập.
Thượng tướng Lê Quý Vương lưu ý, các hợp đồng kinh tế, chương trình, dự án phải công khai minh bạch chứ, như một số tuyến đường cao tốc, đường BOT thì phải công khai thế nào, có nhiều tổ chức kinh tế rất cần công khai minh bạch. Quy định đấu thầu nhưng trong quá trình đó vẫn hình thành các nhóm để đấu thầu hợp lệ, mà bên trong có bắt tay ngầm với nhau.
Bên cạnh đó, Thượng tướng Lê Quý Vương đề nghị tất cả công chức, nhân viên nhà nước đều phải được trả lương qua tài khoản và các giao dịch phải thông qua tài khoản để “phát sinh cái lớn” là biết hết. “Như ở Trung Quốc kiểm tra phát hiện quan chức có rất nhiều tiền trong nhà vì luật của họ kiểm soát chặt chẽ, đem tiền đi gửi là bị lộ ngay”, Thượng tướng Lê Quý Vương nói.