Phân quyền hơn trong tổ chức bộ máy của TPHCM, chuyển sang hậu kiểm
Chiều 8.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào tính hợp hiến, sự phù hợp của chủ trương của Đảng, với cam kết quốc tế, tính thực tiễn, khả thi, cân đối lợi ích của TP Hồ Chí Minh với tổng thể quốc gia và các tỉnh, thành phố khác.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, các chính sách đề xuất trong dự thảo nghị quyết có sự kế thừa Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội, nhưng chưa thực sự vượt trội mạnh mẽ, chưa đột phá như mong muốn và kỳ vọng của nhiều đại biểu và cử tri.
Đại biểu cho rằng, cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa trong tổ chức bộ máy, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để rút ngắn tối đa các thủ tục hành chính.
Chính sách mới cần có tính lan tỏa, tác động sâu rộng không chỉ đối với thành phố mà cần mang lại hiệu ứng tích cực đối với các vùng miền và đất nước.
Góp ý về công ty đầu tư tài chính nhà nước, ông Mai cơ bản tán thành với các cơ chế tài chính đối với Công ty tài chính TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đối với quy định HĐND được bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ là chưa đủ.
“Công ty tài chính với vai trò cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Trong khi nhu cầu ở lĩnh vực ưu tiên là rất lớn, ví dụ phát triển đường sắt đô thị là 25 tỉ đô la. Do đó tôi đề nghị cần mở rộng cơ chế tài chính đặc thù nguồn tài chính cho công ty tài chính thành phố như phát hành trái phiếu quốc tế.
Ưu tiên đầu tư cho một số chương trình dự án như phát triển đường sắt đô thị, chống ngập”, ông Mai nói và cho biết, việc tạo thêm cơ chế tài chính đặc thù cho công ty tài chính thành phố cho phát triển đường sắt đô thị sẽ giải quyết được ùn tắc và phát triển được ngành công nghiệp đường sắt đô thị trước mắt và dài hạn.
Về ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, đại biểu Mai đồng ý cần có cơ chế ưu đãi chiến lược thu hút đầu tư. Tuy nhiên, với quy định, được hỗ trợ một phần chi phí của dự án từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố là chưa rõ ràng.
“Tôi đề nghị cần quy định cụ thể về các chính sách ưu đãi, đặc biệt là liên quan đến hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước; có đánh giá tác động chi tiết”, ông Dương Khắc Mai nói.
Về tỉ lệ vốn vay, ông Mai lưu ý cần tính đến khả năng hấp thụ vốn, tính hiệu quả của sử dụng nguồn vốn vay và trả nợ vay, đặc biệt không làm ảnh hưởng đến tăng nợ công quốc gia.
“Với Nghị quyết lần này, khi Quốc hội thông qua, tôi có niềm tin, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Hồ Chí Minh sớm hiện thực hóa một cách sinh động hiệu quả quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và thực tiễn cuộc sống để Hòn ngọc Viễn đông luôn và mãi tỏa sáng với sắc màu tươi mới, ngày càng rực rỡ mạnh mẽ hơn”, ông Dương Khắc Mai nói.
Đường chỉ nâng cấp mà không mở rộng thì không được áp dụng BOT
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thì cho rằng, việc nâng cấp mở rộng đường đối với thành phố là cần thiết để giảm ách tắc giao thông, đầu tư kinh phí lớn nhất là giải toả đền bù cần có sự đóng góp của người dân, cho nên áp dụng hình thức BOT là hợp lý.
“Tuy nhiên, dự án đường chỉ nâng cấp mà không mở rộng thì không được áp dụng BOT. Tương tự cũng thống nhất áp dụng hình thức BT, nhưng phải rà soát, tránh lặp lại việc làm thất thu ngân sách nhà nước gây dư luận không tốt”, ông Hòa nói.
Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, ông Hòa thống nhất cho cơ chế thành phố linh hoạt trong bố trí nhà ở xã hội không nhất thiết phải dành 20% tổng diện tích đất đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội vì thành phố có thể có những dự án nhỏ hoặc nằm trong khu đất có giá trị thương mại lớn.
“Tuy nhiên đề nghị thành phố quan tâm nhiều hơn đối với nhà ở xã hội trong các khu nhà ở thương mại có giá trị bình thường để bán cho người có thu nhập thấp”, ông Hòa nêu quan điểm.