Xu hướng thay đổi
Những năm gần đây, các trường đại học cả công lập và tư thục đều tăng học phí, đặc biệt là sau tự chủ, điều này gây khó khăn cho nhiều phụ huynh và thí sinh.
Sinh viên Nguyễn Hữu Thọ (SN 2003, quê Tiền Giang) chia sẻ, khi quyết định dự thi đại học, Thọ khá lo lắng bởi điều kiện kinh tế gia đình. Chính vì thế, Thọ chọn học một trường đại học tại Vĩnh Long vì có mức học phí, chi phí tài liệu, ăn ở, đi lại phù hợp.
“Thay vì lên TPHCM với mọi thứ đều đắt đỏ, mà cũng là đào tạo đại học thì em chọn học tại tỉnh gần với mình. Từ nhà em đến trường chỉ khoảng 40km. Cũng là đào tạo đại học mà giá thấp hơn. Em còn có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về phong tục tập quán, thói quen của vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Thọ chia sẻ.
Không chỉ chọn học vì học phí, với ngành học Công nghệ Thông tin, Thọ xác định nhân lực vùng ĐBSCL ở lĩnh vực này còn thiếu và yếu, do đó, cơ hội việc làm của em rất rộng mở.
Còn Trần Lê Gia Bảo - sinh viên ngành Luật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cho hay, sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Long nên Bảo muốn chọn một ngôi trường trong tỉnh để gần nhà, thuận tiện đi lại.
“Em không thích phải xa người thân. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho sinh viên học tập. Học phí của trường cũng vừa sức với các bạn”, Bảo chia sẻ.
Đây cũng là suy nghĩ của nhiều bạn trẻ khi chọn học tại địa phương. Dù có mức điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhưng Nguyễn Thu Huyền (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cũng chọn học tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình.
Huyền chia sẻ: “Trường đại học tuy đặt tại địa phương nhưng chất lượng đào tạo cũng rất tốt. Vì thế, gia đình cũng ủng hộ em chọn học gần nhà”.
Nhiều cơ hội để bứt phá
Nhận định xu hướng có thay đổi, một nguyên lãnh đạo trường đại học tại miền Trung cho hay: “Dù trường đại học đặt tại địa phương có nỗ lực để thay đổi nhưng rõ ràng vẫn khó cạnh tranh với các địa bàn lớn như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Nhiều người vẫn còn tâm lý “sính” thành thị.
Bên cạnh đó, cơ hội việc làm tại địa phương tuy có mở rộng nhưng thu nhập và khả năng xin việc vẫn thấp hơn tại các thành phố lớn”.
Là một trong những trường phát triển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, PGS.TS Lê Hồng Kỳ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long (VLUET) chia sẻ: Tuy đặt trụ sở tại Vĩnh Long nhưng VLUET là 1 trong nhóm 6 trường đại học Sư phạm kỹ thuật của cả nước.
“Có lẽ đặt tại địa phương thì khó khăn dễ thấy nhất là cuộc sống và thu nhập của người dân. Đây là một vấn đề rất lớn. Nhưng khó khăn đó lại tạo thời cơ cho nhà trường vì các em người địa phương muốn học tại VLUET không chỉ vì học phí thấp mà còn vì chất lượng. Bởi trường công lập đã được Nhà nước đầu tư thông qua các chương trình mục tiêu, dự án quốc gia và quốc tế đã đầu tư máy móc, thiết bị cho trường. Nhà trường chỉ thu học phí để trang trải chi thường xuyên và tái tổ chức các hoạt động chính yếu của trường”, ông Kỳ phân tích. Để đáp ứng nhu cầu của người học, bên cạnh các ngành truyền thống về sư phạm kỹ thuật, VLUET cũng mở nhiều chương trình mới thuộc các lĩnh vực khác để phù hợp với thực tế phát triển tại địa phương.
“Hiện nay, trước nhu cầu xã hội và đặt hàng từ các địa phương, yêu cầu của Bộ Lao động - Thương binh Xã hội nhà trường mở thêm đa dạng ngành nghề để người lao động có thêm nhiều kỹ năng, nhiều cơ hội nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và ước ngoài. Chúng tôi đã mở các ngành phi truyền thống như khối ngành về Xã hội Nhân văn, Kinh tế, Luật pháp và tới đây cũng dự kiến phát triển thêm khối ngành về Y tế và Sức khoẻ cộng đồng.
Với một trường ngoài công lập đặt tại địa phương, PGS.TS Lương Minh Cừ - Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long cũng xác định phát triển nhà trường theo hướng đa ngành nghề, gắn đào tạo lý thuyết gắn với ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Để có sinh viên có điều kiện thực hành, nhà trường đã có nhiều công trình như: Nhà máy sản xuất điện năng lượng mặt trời với công suất gần 1MW; Nông trang Island; Trang trại trồng dưa lưới; Nhà máy sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai; Nhà trưng bày giới thiệu về mô hình điện năng lượng mặt trời; Xưởng cơ khí… Sinh viên không chỉ được học tập, thực hành mà còn có thể kiếm thêm thu nhập để trang trải chi phí học tập.
Theo các chuyên gia, các trường đại học địa phương đang có những thuận lợi như về quỹ đất phát triển, học phí, chi phí học tập, ăn ở thấp… nếu nắm bắt tốt cơ hội và chiến lược phù hợp, các trường đại học đặt tại địa phương sẽ có cơ hội bứt phá hơn nữa trong thời gian tới.