Tính từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến nay, tăng trưởng thương mại hai nước đã tăng từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức hơn 123 tỉ USD năm 2022.
Thời gian gần đây, thương mại song phương tăng trưởng mạnh với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt hơn 123 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2021, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2022 đạt mức kỷ lục, vượt mốc 700 tỉ USD.
Năm 2022 đánh dấu bước ngoặt khi lần đầu tiên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang một thị trường đạt mốc hơn 100 tỉ USD.
Kim ngạch thương mại song phương 7 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 60 tỉ USD,.
Về đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, đến năm 2023, Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11/108 tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng (khoảng 1.200 dự án, tổng vốn đạt gần 11,4 tỉ USD).
Trong năm 2022, đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam đạt 748 triệu USD, đứng thứ 8/108 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam.
Về đầu tư của Việt Nam sang Mỹ, đến năm 2023, Việt Nam đang có 230 dự án đầu tư tại Mỹ, tổng vốn đăng ký 1,264 tỉ USD. Mỹ đứng thứ 7/80 nước và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam.
Vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam thay đổi tình hình quan hệ chính trị - kinh tế giữa 2 nước, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam theo từng thời kỳ và tình hình kinh tế toàn cầu.
Các doanh nghiệp lớn của Mỹ tiếp tục quan tâm, đầu tư lâu dài tại thị trường Việt Nam, bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với các đối tác Việt Nam trong những lĩnh vực Việt Nam quan tâm, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi số, đầu tư công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Trong năm 2023, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đang thực hiện kế hoạch mở rộng, tăng vốn đầu tư tại Việt Nam. Chẳng hạn, Tập đoàn P&G dự kiến đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất nhà máy Bến Cát; AES dự kiến đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo; nhiều bang của Mỹ cho biết thời gian tới sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực sản xuất linh kiện ôtô.
Hai bên duy trì trao đổi thường xuyên để tăng cường hợp tác, và thảo luận về triển vọng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới mà mỗi bên có nhu cầu, trong đó có ngành bán dẫn.
Hai bên cũng đối thoại thẳng thắn, thực chất và xây dựng để giải quyết các vấn đề và vụ việc tồn đọng trong quan hệ thương mại. Đáng chú ý, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát về thao túng tiền tệ (tháng 11.2022).
Ở tầm khu vực, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia thảo luận cùng Mỹ và các đối tác khác về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF).