Ưu tiên cần thúc đẩy
Đại sứ Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh cho rằng, trong bối cảnh biến đổi nhanh chóng của thời cuộc, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và kỹ thuật số, “chúng ta phải đổi mới tư duy trên cơ sở đánh giá đúng xu hướng phát triển của thời đại cũng như những thách thức đặt ra. Đồng thời, đổi mới tư duy trên khía cạnh nhận thức được những mặt mạnh để ngày càng tham gia tích cực vào công việc của khu vực và thế giới”.
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Hải Bằng cho rằng, đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại nhằm thoát khỏi tư duy cũ, xứng tầm với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. “Ngoại giao thời nay không phải là ngoại giao của những năm 60, 70 của thế kỷ trước.
Thậm chí, so với cách đây 10 năm, đối tượng, nội dung và phương thức hoạt động của ngoại giao đã khác đi. Có rất nhiều nội dung về đổi mới tư duy để ngoại giao Việt Nam phù hợp với thời đại hơn. Mà không riêng ngoại giao, tất cả các ngành đều phải đổi mới tư duy về phương thức, đối tượng làm việc… cho phù hợp với thời đại” - ông nói.
Nói về đổi mới tư duy của ngành ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Anh Trần Ngọc An cho biết, đổi mới tư duy nằm trong 4 nội dung. Trước hết, đổi mới tư duy là thay đổi tư duy về nhận định, đánh giá tình hình. Tiếp theo là đổi mới trong tư duy kiến nghị và tham mưu.
“Chủ trương của Đảng đã định ra những khuôn khổ và định hướng lớn nhưng với mỗi đối tác, mỗi vấn đề, mỗi nội dung hay thách thức nảy sinh chúng ta cần có cách nhìn sáng tạo. Với những sáng kiến liên quan đến Châu Á - Thái Bình Dương, đừng nên chỉ nghĩ đến những mặt thách thức mà trong đó đan xen cả thách thức và thuận lợi. Thách thức thì ứng phó, thuận lợi thì khai thác” - ông nói.
Nội dung thứ 3 trong đổi mới tư duy mà Đại sứ Việt Nam tại Anh chỉ ra là trong nhìn nhận các đối tác nước ngoài có tư duy mới. Ông chỉ ra: “Sự cọ xát của các đối tác với nhau có thể tạo ra những thách thức mới, nhưng quan trọng là với chủ trương độc lập tự chủ đa dạng hóa đa phương hóa, hài hòa các lợi ích quốc gia để soi xét những điều đó và thông qua đối thoại để có lợi ích song trùng”.
Nội dung thứ 4 là đổi mới tư duy của người làm đối ngoại, theo ông Trần Ngọc An. “Đây không chỉ là vấn đề đào tạo. Một cán bộ đào tạo ra là đại diện quan trọng cho đất nước, cho Đảng, Nhà nước và nhân dân điều quan trọng nhất là phải thể hiện được bản lĩnh từ việc nhận thức lợi ích quốc gia cho đến kỹ năng để hoàn thành công việc” - ông nói.
Ngoại giao phục vụ phát triển ngày càng định hình rõ rệt hơn
Trả lời báo giới nhân tổng kết HNNG30, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có một số nội dung mà Bộ Ngoại giao có thể thực hiện trong thời gian tới để ngoại giao phục vụ phát triển đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, như: Công tác nghiên cứu tham mưu và thông tin cập nhật cho cộng đồng doanh nghiệp và thị trường của các nước trên thế giới; Sử dụng ưu thế của các cơ quan đại diện (khả năng tiếp cận các nhân vật khác nhau ở các nước, hiểu rõ được các địa bàn) để tham mưu, giúp đỡ, đồng hành cùng các doanh nghiệp tiến vào các thị trường; Có các công trình nghiên cứu, khảo sát thông tin, bản đánh giá về từng thị trường để cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp (các bản tin kinh tế thường kỳ, các bản thống kê, khảo sát thị trường…); Hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan đại diện cho các doanh nghiệp khi muốn vươn ra nước ngoài.
“Chúng tôi xác định ngoại giao là lĩnh vực triển khai rất mạnh mẽ, nhất là ngoại giao kinh tế để phục vụ phát triển của đất nước. Tại phiên ngoại giao phục vụ phát triển do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì và có chỉ đạo rất cụ thể về các nhiệm vụ ngoại giao kinh tế cũng như ngoại giao phải làm gì để phục vụ phát triển. Trong đó nhấn mạnh 2 điểm: Ngoại giao phải chuyển mạnh sang lấy người dân, doanh nghiệp, địa phương làm trung tâm, đối tượng phục vụ trong quá trình phát triển của đất nước.
Tiếp theo là phải kết hợp được các kênh đối ngoại đảng, đối ngoại nhân dân, ngoại giao nhà nước với quốc phòng an ninh, kết hợp các lực lượng trong đối ngoại để tạo ra sức mạnh tổng hợp phục vụ cho việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển của đất nước trong thời gian tới” - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.