Hạnh phúc gắn với khát vọng phồn vinh của dân tộc
Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Dự thảo đề cập một số bài học kinh nghiệm, trong đó có: Phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Từ đó, Dự thảo đưa ra mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nếu như điểm nhấn lớn nhất tại Dự thảo báo cáo Chính trị là đưa ra mục tiêu dài hạn tới năm 2030 - Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, năm 2045 Kỷ niệm 100 năm thành lập Nước. Những mục tiêu này đều gắn với sự hưởng thụ của nhân dân, cụ thể về thu nhập, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đến năm 2025, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỉ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2025 dưới 4%; tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1% - 1,5% hằng năm; có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi; tỉ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 75%, trong đó ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Về môi trường, đến năm 2025, tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95% - 100% và nông thôn là 93% - 95%; tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỉ lệ che phủ rừng ổn định 42%.
Nhận định về vấn đề này, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Qua dịch COVID-19 chúng ta càng hiểu rõ không phải cứ thu nhập cao, tốc độ tăng trưởng nhanh là sung sướng, mà quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc”.
Hạnh phúc gắn với văn hoá, gia đình và xây dựng con người
Tại buổi làm việc giữa tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác chuẩn bị Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025 hồi tháng 10.2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: “Nói đến Hà Nội phải nói đến toàn diện các lĩnh vực, phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng phải chú trọng văn hóa, Hà Nội phải văn minh, thanh lịch, cụ thể hóa tiêu chí xây dựng người Hà Nội, xây dựng thủ đô, đặc biệt là vấn đề quản lý đô thị, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não trung ương...”.
Khi đưa ra yêu cầu với Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đã nhắc đến nội hàm của khái niệm “hạnh phúc” cho người dân. Cụ thể, không chỉ phát triển kinh tế mà Hà Nội còn phải văn hoá, văn minh, thanh lịch, an toàn.
Tiếp thu và lĩnh hội những ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, trong Nghị quyết Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh yếu tố “chất lượng sống” và những “giá trị nhân văn.
Theo đó, “chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội sâu sắc”.
Về vấn đề này, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII nhấn mạnh định hướng “thực hiện các chuẩn mực văn hoá gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan. Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hoá trong lãnh đạo, quản lý.
Chú trọng xây dựng môi trường văn hoá công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh.
Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình văn hoá, văn nghệ. Có kế hoạch, cơ chế và giải pháp xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội.
Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hoá Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các sản phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường. Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hoá, văn nghệ của các dân tộc thiểu số. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ tham gia tổ chức hội; khuyến khích tự do sáng tạo, thực thi quyền tác giả…”.
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội cho rằng: “Điều quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Nhìn chung đều lấy chất lượng cuộc sống của người dân làm trọng tâm về chỉ số hạnh phúc, tránh cách nói chung chung và người đề xuất cần nêu rõ nội hàm của nó là gì. Môi trường sống trong lành, an toàn, tuổi thọ kéo dài nhưng chất lượng cuộc sống phải tốt thì mới có hiệu quả, ý nghĩa. Hạnh phúc của nhân dân phải là sự hài lòng trong phạm vi phổ quát và mang tính toàn diện ở tất cả các mặt như giáo dục, y tế, môi trường... Điều quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Trong mỗi công việc và hoạt động thì nhân dân phải là chủ thể và đặc biệt coi trọng nhân dân”.
Nhấn mạnh vào vấn đề hạnh phúc, Dự thảo Chính trị đưa vào một trong 3 chiến lược mang tính đột phá: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII khẳng định: Hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu mục đích xuyên suốt của Đảng ta chứ không phải là hôm nay mới đề cập và thời gian tới, vấn đề hạnh phúc được nâng tầm, đi vào chiều sâu thực chất hơn đáp ứng yêu cầu của người dân, cụ thể hoá các chiến lược đột phá phù hợp với giai đoạn phát triển mới.