Ngày 17.11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Tổng Thư ký Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến các đại biểu (ĐB) về một số nội dung liên quan đến dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Kết quả thăm dò cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội chọn phương án không "tách" Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật.
Kết quả xin ý kiến về việc có tách thành hai luật hay không, có 110 đại biểu tán thành, tương đương 21,62% tổng số đại biểu Quốc hội. 302 ý kiến không tán thành việc tách luật, tương đương 62,79% tổng số đại biểu Quốc hội.
Nội dung thứ hai được nêu ra trong phiếu xin ý kiến là việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Có 86 phiếu chọn phương án chuyển, chiếm 17,88% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu chọn phương án “không chuyển” cao hơn: 321 phiếu, tương đương 66,74% tổng số đại biểu Quốc hội.
Nội dung thứ ba được đưa ra lấy phiếu thăm dò là việc chuyển dự thảo luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội nhiệm kỳ sau (khoá XV). Có 251 phiếu xin ý kiến thể hiện quan điểm tán thành phương án này, tương đương 52,18% tổng số đại biểu Quốc hội.
Trước đó, hai dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường với nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Nhiều ĐBQH không đồng tình với việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật: Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đồng thời đề nghị Quốc hội lấy ý kiến đại biểu về vấn đề này.
Trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 16.11, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đoàn TP Đà Nẵng) cho biết ông đồng tình phương án không tách Luật Giao thông đường bộ. Theo ông Sơn, cần xem lại tính hợp pháp, hợp lý của việc đưa dự thảo luật.
"Tôi đề nghị QH nên lấy ý kiến có nên tách luật hay không, sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo"- ĐB Sơn bày tỏ và cho rằng phải làm rõ lý do tách luật trong điều kiện gấp gáp như thế và giải quyết những hệ lụy sau khi tách luật, bởi trong giải trình rất sơ sài, không đáp ứng yêu cầu.
Ông Sơn cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình chuyển việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) cũng cho rằng, việc tách ra làm 2 luật, trước hết không phù hợp với chủ trương của Đảng về việc nhằm tập trung phát huy lực lượng quân đội, công an chính quy.
Trước ý kiến cho rằng chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn tồn tại là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông nên cần phải chuyển sang Bộ Công an, về vấn đề này ông Sinh cũng bày tỏ quan điểm không ủng hộ.