Thủ tục chứng minh tài chính được xem là trở ngại lớn
Là đô thị lớn có hơn 8 triệu dân, thành phố Hà Nội có tới gần 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Do đó, việc thực hiện triển khai gói an sinh - xã hội 62.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng gặp không ít khó khăn.
Theo UBND TP.Hà Nội, việc thẩm định các điều kiện để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng gặp rất nhiều khó khăn do không có cơ sở để kiểm tra, xác minh mà chủ yếu dựa vào thông tin do người lao động, người sử dụng lao động cung cấp.
Công tác rà soát, xác định đối tượng trùng hưởng gặp nhiều khó khăn do không có hệ thống theo dõi thống nhất, chủ yếu là rà soát bằng phương pháp thủ công nên mất thời gian và độ chính xác không cao, lao động ngoại tỉnh làm việc tại Hà Nội tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương không có dữ liệu đối chiếu trùng hưởng. Thời hạn giải quyết hồ sơ của từng cấp theo quy định ngắn trong khi số lượng hồ sơ phải thẩm định, giải quyết lớn. Đây cũng là gói chính sách chưa từng có tiền lệ và thời gian triển khai ngắn. Quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở phát sinh nhiều nội dung chưa được quy định cụ thể.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận với gói tín dụng 16.000 tỉ đồng trong gói an sinh - xã hội này dù gặp rất nhiều khó khăn do quy định thủ tục của gói này quá khắt khe.
Trao đổi với Lao Động, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, thủ tục chứng minh tài chính của doanh nghiệp đang được xem là trở ngại trong việc triển khai gói 62.000 tỉ đồng. Do đó, yếu tố này cần phải sửa đổi.
“Doanh nghiệp không tiếp cận được vì rất khó chứng minh không có nguồn thu trong khoảng thời gian đó. Bởi gần như không có doanh nghiệp nào trong nhiều tháng trời mà không có đồng doanh thu nào. Dù những doanh nghiệp bên bờ vực phá sản cũng rất khó đáp ứng được tiêu chí này” - ông Nam phân tích và cho rằng cần phải nới lỏng điều kiện này để gỡ bỏ rào cản, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Cũng theo TS Tô Hoài Nam, chính sách này là chính sách ngắn ngày, ngắn hạn, nếu không làm nhanh sẽ dẫn đến mục tiêu chính sách không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội nữa. Chính sách ngoài có ý nghĩa xã hội cho người lao động, còn hỗ trợ cho chính doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp vay 0% lãi suất để trả lương cho người lao động, giúp giữ chân được người lao động, vì thế lợi ích rất lớn, cần tháo gỡ ngay.
Cần rà soát, nới lỏng các quy định để chính sách đi vào thực tế
Cùng trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Với gói chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, Quốc hội cũng như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Các ĐBQH cũng đã trao đổi mong muốn làm sao Chính phủ triển khai nhanh gói này để người dân, doanh nghiệp được tháo gỡ khó khăn dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo Đại biểu Đỗ Văn Sinh, nguồn lực đã có rồi, chủ trương có rồi, giờ tổ chức thực hiện, mục tiêu là đến tay người dân và doanh nghiệp. Thực tế trong quá trình triển khai, có những khó khăn, vướng mắc mà chính sách không đến được người dân, doanh nghiệp thì cần xem lại những điều kiện đưa ra, xem xét tháo gỡ, nới lỏng những rào cản.
Với lao động tự do điều kiện rất khắt khe cho việc xác nhận. Họ cư trú ở địa phương khác nhưng lại lao động ở địa phương khác, đặc biệt ở các tỉnh, bây giờ lại cần xác nhận họ có tạm trú thì rất khó khăn cho lao động tự do. Do đó, trong quá trình triển khai thực tế cần phải có điều kiện đơn giản hơn, đỡ phức tạp cho người dân.
“Từ những khó khăn, vướng mắc trên các cơ quan cần phải xem lại điều kiện, thủ tục và cần nới lỏng một số quy định để doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Đồng thời, trong thời gian thực hiện các đối tượng trong diện thụ hưởng mà chưa được nhận hỗ trợ thì cũng cần kéo dài thời gian triển khai. Mục tiêu hướng đến đối tượng được hưởng là người lao động và doanh nghiệp. Do vậy, trong quá trình triển khai thực tế cần phải xem xét lại các điều kiện, thủ tục tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp” - ông Sinh nói.
Về giải pháp triển khai gói chính sách trên trong thời gian tới tại địa bàn, Hà Nội cho biết sẽ tổ chức họp giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã nhằm đôn đốc, nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện để hướng dẫn (công văn số 4498/VP-KGVX ngày 01/6/2020 của UBND Thành phố) hoặc báo cáo xin ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo thẩm quyền (trong đó có nội dung kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc).
Đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng LĐTBXH, UBND xã, phường, thị trấn khẩn trương triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ được giao và định kỳ hàng tuần (hoặc theo yêu cầu đột xuất) báo cáo về Sở LĐTBXH để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố và Bộ LĐTBXH.
Chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác triển khai, chi trả chính sách hỗ trợ cho người dân tại các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn nhằm kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh sai phạm. Chỉ đạo Sở LĐTBXH phối hợp Bưu điện Thành phố thiết lập Tổng đài đường dây nóng tự động gồm 5 nhánh trả lời. Đồng thời thành lập Tổ công tác tiếp nhận, giải đáp kiến nghị, phản ánh của người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ. Đây là kênh thông tin hiệu quả, góp phần để chính sách của nhà nước được triển khai khẩn trương, đúng quy định.