Cần có kịch bản ứng phó kịp thời cho các vấn đề phát sinh
Thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 31.10, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) nhấn mạnh, nhìn tổng quát, "kinh tế - xã hội Việt Nam như một ngôi sao ngược gió có xu hướng tích cực so với thế giới".
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; hoạt động của doanh nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài đã có chiều hướng thuận lợi hơn đời sống nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo.
Trong thời gian tới, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị Chính phủ chủ động có kịch bản ứng phó và những chính sách điều hành linh hoạt, kịp thời với những vấn đề phát sinh.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là các điều kiện thủ tục hành chính cho vay để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, tập trung thực hiện các giải pháp để xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
Quan tâm và có cơ chế, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy các doanh nghiệp của Việt Nam phát triển để hướng tới một nền kinh tế tự chủ, phát triển ổn định và bền vững.
Tạo xung lực cho nền kinh tế cất cánh
Cùng quan điểm, đại biểu Lý Anh Thư (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, trước tình hình khó khăn chung của cả thế giới nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục là "điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng của nền kinh tế toàn cầu".
Trong thời gian tới, đại biểu Lý Anh Thư đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có lộ trình thực hiện việc dừng/không cấp giấy cho cải hoán đối với các tàu đang hoạt động làm nghề lưới kéo, lưới rê nhằm giảm bớt khó khăn cho ngư dân.
Bên cạnh đó, sớm ban hành các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề theo định hướng cắt giảm tàu, chuyển đổi các nghề xâm hại sang các nghề thân thiện với môi trường đảm bảo cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi nguồn lợi thủy sản theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Quyết định số 208/QĐ-TTg.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ theo thẩm quyền ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho các chủ tàu gặp khó khăn. Đồng thời có cam kết không vi phạm pháp luật về IUU nhằm chia sẻ khó khăn cho các chủ tàu trong thời gian chờ ban hành và áp dụng các chính sách chuyển đổi nghề khai thác sang nghề khác.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) đánh giá cao công tác triển khai các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là tạo đột phá về hạ tầng giao thông. Các dự án này hoàn thành đúng tiến độ sẽ tạo diện mạo mới về giao thông cho đất nước, tạo xung lực cho nền kinh tế để cất cánh trong điều kiện khó khăn.
Tuy nhiên, đại biểu Mạnh cho rằng, còn một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt là trong hoàn thiện thể chế. Cụ thể, một số dự luật, đề nghị xây dựng luật chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Qua rà soát, nhiều văn bản pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, đấu giá, tài sản công, tài chính…
Đại biểu đoàn Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc, bất cập, chủ động đề xuất xem xét, điều chỉnh, bổ sung, thay thế kịp thời để tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, khai thông nguồn lực, tạo điều kiện đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.