Đối với một số hội đặc thù, có kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước, TS. Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện Nguyên cứu chính sách pháp luật và phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho biết: “Viện nghiên cứu chính sách kinh tế ước tính 68.000 tỷ đồng là kinh phí ngân sách Nhà nước dành cho các hoạt động của tổ chức này, nhưng hiệu quả đến đâu? Chúng ta phải có giải pháp làm sao nguồn ngân sách tài trợ được chuyển thành nhiệm vụ, trên cơ sở minh bạch cạnh tranh, tôi tin chắc rằng nếu làm rõ thì sẽ tránh tham nhũng trong chi tiêu ngân sách ở các hội”.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia, quản lý, kiểm soát tài chính của các hội, tổ chức thông qua báo cáo tài chính, tài khoản ngân hàng. Đây là công cụ quản lý chặt chẽ các hội, kể cả các hội được Nhà nước bảo trợ cũng như những hội không được Nhà nước bảo trợ.
"Ở đây, các tổ chức xã hội mà không được Nhà nước bảo trợ thường được nhận tài trợ của các tổ chức quốc tế thì tài chính họ "chuẩn". Cho nên, "tù mù" chính là việc sử dụng ngân sách tại các hội được Nhà nước tài trợ. Vì vậy, mấu chốt cần quan tâm của Luật về hội là cần xây dựng cơ chế quản lý tài chính với hội", TS. Hoàng Ngọc Giao nhấn mạnh.
Nói về vấn đề tài chính của hội có kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước, ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, cho biết tại Điều 26 đã quy định khá đầy đủ tuy nhiên còn thiếu yếu tố thu và chi từ các tổ chức nước ngoài. Trong điều kiện hội nhập hiện nay, các tổ chức hội đang tham gia có nhiều tổ chức quốc tế, trong đó việc thực hiện nghĩa vụ và hưởng lợi từ tài chính của tổ chức này.
Chính vì vậy, theo ông Trần Ngọc Hùng cần bổ sung vào Điều 26 các nguồn thu và chi này vấn đề là phải công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Từ đó, cần có báo cáo đầy đủ về nguồn thu và giải trình mục đích từ nguồn thu nước ngoài để tránh việc bị lợi dụng vào những mục đích có hại đến quyền lợi của quốc gia.