Phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và định hướng công tác năm 2022 của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam ngày 12.1, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - bày tỏ vui mừng trước những kết quả "hết sức đồ sộ" mà Việt Nam đạt được. "Điều ấn tượng là các kết quả đạt được đều, dầy dặn trên các lĩnh vực trụ cột của UNESCO, đóng góp thực sự cho hợp tác Việt Nam - UNESCO. Đặc biệt tâm đắc là các bộ, các địa phương không chỉ bảo tồn được các di sản, danh hiệu UNESCO công nhận mà đã quan tâm tới quảng bá, phát huy các danh hiệu để đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương và kinh tế Việt Nam" - ông Đặng Hoàng Giang nói.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng chỉ ra, Việt Nam đã bước đầu tận dụng được kho tri thức giáo dục của UNESCO, học hỏi được những kinh nghiệm thu hút nguồn lực. Về khoa học, Việt Nam đã bắt đầu bắt nhịp được với những xu thế, chuyển biến mới của tình hình thế giới cũng như kinh nghiệm của UNESCO trong một số xu hướng mới liên quan tới trí tuệ nhân tạo (AI)...
Nâng tầm ngoại giao đa phương
Tại hội nghị, Đại sứ, Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO Lê Thị Hồng Vân cho rằng, trong năm 2021, tuy chịu tác động của đại dịch COVID-19 nhưng trong hợp tác với UNESCO, Việt Nam đã triển khai rất chủ động, sáng tạo, nỗ lực quyết tâm cao. "Năm 2021 được đánh giá là một trong những năm rất thành công của quan hệ đối tác Việt Nam - UNESCO" - bà nhấn mạnh.
Trước hết, chuyến thăm UNESCO của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 5.11.2021 được UNESCO đánh giá là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử với quan hệ Việt Nam - UNESCO. Chuyến thăm diễn ra đúng dịp 75 năm thành lập UNESCO, 45 năm quan hệ Việt Nam - UNESCO với những kết quả thực chất. Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021-2025 được ký kết với nội hàm mới, phù hợp với mối quan tâm và chiến lược phát triển của UNESCO cũng như phương hướng phát triển của Việt Nam.
"Ngay tại cuộc gặp, Tổng Giám đốc UNESCO cũng đánh giá Việt Nam là đối tác năng động, một trong những nước đi đầu trong triển khai hiệu quả chương trình hợp tác với UNESCO và Ủy ban UNESCO Việt Nam là một trong những ủy ban mạnh nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương" - Đại sứ Lê Thị Hồng Vân lưu ý.
Trong năm qua, Việt Nam không chỉ trở thành một trong sáu quốc gia đại diện cho nhóm 4 (Châu Á-Thái Bình Dương) tham gia vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 mà còn là một trong những nước giành số phiếu cao nhất trong đợt bầu cử này - 163/178 phiếu bầu. Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm một số vị trí quan trọng tại UNESCO như Phó Chủ tịch Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2018-2022; thành viên Hội đồng Tư vấn về Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO 2020-2024. Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, những hoạt động này thể hiện vai trò dẫn dắt và tham gia nâng tầm ngoại giao đa phương của Việt Nam tại UNESCO.
Năm 2021 cũng là một trong những năm Việt Nam có nhiều danh hiệu, di sản được UNESCO vinh danh: Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) là khu dự trữ sinh quyển thế giới; Xoè Thái được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại... Những di sản này không chỉ thể hiện sự giá cao những giá trị văn hóa, những nỗ lực đóng góp của Việt Nam cho UNESCO mà còn được xem là những nguồn quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội, trưởng đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO lưu ý.
Nâng cao hình ảnh, vai trò của Việt Nam tại UNESCO
Để nâng cao hình ảnh, vai trò của Việt Nam tại UNESCO cũng như thúc đẩy bảo vệ các lợi ích quốc gia, tận dụng tri thức UNESCO để xây dựng chính sách và phát triển bền vững đất nước, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam xác định một số phương hướng hoạt động trong năm 2022. Trước hết, phát huy vai trò thành viên tích cực, chủ động của Việt Nam tại Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 và Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025. Tích cực triển khai công tác vận động cho ứng cử viên Việt Nam vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 và Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027. Bên cạnh đó, triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025 với những trọng tâm về giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hóa...
Tại hội nghị ngày 12.1, ông Christian Manhart - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam - nhận định, Việt Nam là thành viên tham gia rất năng động và sắp tới là thành viên của nhiều ủy ban quan trọng của UNESCO. Ông khẳng định, văn phòng UNESCO tại Việt Nam sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan trong năm 2022. "Chúng tôi khẳng định sự cam kết mạnh mẽ, hỗ trợ hết mình để có mối quan hệ hợp tác thật hiệu quả" - ông nói.