Nhận lời mời của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 9 (ACMECS 9), Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 10 (CLMV 10) và Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 11 (CLV 11) được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, phát biểu khai mạc ACMECS 9, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen nhắc lại Hội nghị ACMECS tại Bangkok năm 2018 khi đó ông đã đưa ra cam kết “tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu chung để mang lại thịnh vượng, lợi ích chung cho người dân các nước chúng ta”.
Theo Thủ tướng Hun Sen, trong 2 năm trở lại đây, những sáng kiến bắt nguồn từ ACMECS đã thu hút được sự chú ý của thế giới nhờ vào các mục tiêu đầy tham vọng, cam kết vững vàng cũng như “khả năng làm chủ của chúng ta đối với quá trình để cùng nhau tạo nên một cộng đồng ACMECS có tính kết nối hơn, tự cường hơn, có thể thích nghi được tốt hơn với những thách thức mới nổi”.
Một cộng đồng ACMECS tự cường có nghĩa là phải thu hẹp khoảng cách phát triển, khoảng cách giàu nghèo cũng như tạo thêm lợi ích cho người dân. Điều này đòi hỏi nỗ lực bảo đảm an ninh năng lượng và lương thực, thúc đẩy du lịch giàu bản sắc văn hóa, lịch sử, nâng cấp cơ sở hạ tầng và mở rộng nền sản xuất công nghiệp cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia ACMECS nói chung. Tất cả điều này đòi hỏi một nền tảng thể chế vững mạnh để bảo đảm tính bền vững, lâu dài.
Thủ tướng Hun Sen cho biết đã hoàn tất điều khoản tham chiếu của Quỹ phát triển ACMECS, theo đó, Campuchia cam kết đóng góp 7 triệu USD thành lập quỹ nhằm thúc đẩy triển khai các dự án phát triển trong khu vực, thúc đẩy phục hồi hậu COVID-19. Từ tháng 7.2019, ACMECS đã có những đối tác phát triển đầu tiên, bao gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo rà soát tình hình triển khai và phương hướng hợp tác thời gian tới của hợp tác ACMECS.
Sau Hội nghị ACMECS, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước dự Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 10 về “Tăng cường kết nối hiệu quả vì hội nhập khu vực” và tiếp đến là Hội nghị Cấp cao CLV 11.
Cơ chế hợp tác ACMECS được thành lập vào tháng 11.2003 tại Hội nghị Cấp cao Bagan theo sáng kiến của Thái Lan với 4 nước thành viên là Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan. Việt Nam chính thức tham gia ACMECS tại Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần 1 tại Thái Lan, tháng 11.2004.
Trong khi đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản, tháng 12.2003, Tokyo, Nhật Bản, lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) đã nhất trí hình thành cơ chế họp Cấp cao giữa bốn nước CLMV. Mục tiêu của hợp tác CLMV nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội của các nước CLMV, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước CLMV và các nước ASEAN khác.
Tam giác phát triển Việt Nam, Lào và Campuchia (CLV) được Thủ tướng 3 nước quyết định thành lập năm 1999 với mục tiêu tăng cường đoàn kết và hợp tác 3 nước nhằm bảo đảm an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, hợp tác tam giác phát triển CLV tập trung vào các lĩnh vực: An ninh - đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường…