Báo cáo trên sẽ được trình bày tại phiên họp 30 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến 12.1.2019.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, đã thảo luận về Luật này với nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là tên gọi.
Tranh luận "nóng" về tên luật
Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng, tên của Luật cần bao quát thực tiễn dễ hiểu, phản ánh đúng nội dung của luật.
Ông Chiểu kiến nghị nên đổi thành thành "Luật Kiểm soát đồ uống có cồn" hoặc "Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn".
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) kiến nghị nên đổi tên luật thành "Luật Kiểm soát rượu bia" để có sự bao quát, chính xác hơn về mục tiêu.
Vì theo bà Lan, nếu chỉ nói phòng chống tác hại của rượu bia là chỉ đề cập đến khía cạnh y tế, trong khi rượu bia phải xét trên nhiều khía cạnh, cả y tế, kinh tế, văn hoá và thói quen lâu đời.
Cá biệt, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) còn cho rằng tên gọi của Luật như trong Dự thảo là "rất kinh khủng".
Theo ông Trí, nếu gọi như Dự thảo luật chẳng khác nào khẳng định rượu, bia toàn có hại.
Vị đại biểu từng nhiều năm công tác trong ngành y tế này khẳng định, nếu dùng rượu, bia đúng liều lượng sẽ rất tốt.
Chính vì thế, ông kiến nghị nên lấy tên luật là “Luật Kiểm soát các chất có cồn”.
Cùng quan điểm với GS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, sử dụng rượu, bia nếu hợp lý thì sẽ có lợi chứ không chỉ một chiều là có hại.
Vì thế, vị đại biểu Đoàn Quảng Nam đề nghị đổi tên luật thành “Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia”.
Bộ trưởng Y tế nói gì về tên luật?
Sau hàng loạt những ý kiến trái chiều về tên gọi của Luật của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có phần giải trình.
Theo Bộ trưởng Y tế, Ban soạn thảo Luật cũng mong muốn được giữ tên gọi là "Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia".
"Vì đây là quan điểm vừa dễ hiểu, vừa đơn giản và người ta chỉ phòng chống tác hại của rượu và bia chứ không đả động gì đến ảnh hưởng văn hóa của rượu và bia hiện nay, nó chống tác hại trong tất cả các quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và cách uống”, Bộ trưởng Y tế nói.
Liên quan tới những tranh luận về tên gọi của Luật, tại Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, vấn đề về tên gọi của Luật được đưa ra khá nhiều, nhưng để đi đến phương án cuối cùng thì cần phải nghiên cứu thêm.
Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo.
Dự thảo Luật gồm VII Chương, 38 Điều đã được thảo luận tại kỳ họp 6, Quốc hội khoá XIV hồi cuối năm 2018.
Luật này dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp 7, Quốc hội khoá XIV dự kiến diễn ra trong năm 2019.