Tham gia xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cơ sở
Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có đủ năng lực quản lý, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ đang là yêu cầu cấp thiết trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Đây là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân Việt Nam - với tư cách là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng xã hội, của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, một lực lượng “chính trị đặc biệt” luôn có vai trò rất quan trọng.
Quân đội tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở được thể hiện thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất.
Trên thực tế, với địa bàn công tác rộng, lĩnh vực hoạt động đa dạng nên Quân đội tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở luôn được biểu hiện rất phong phú, sinh động.
Đây là nội dung trọng tâm, biểu hiện nổi bật và rõ nét nhất vai trò của Quân đội trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Theo đó, đối với việc tham gia xây dựng tổ chức cơ sở đảng, các đơn vị quân đội tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy địa phương các chủ trương, biện pháp lãnh đạo củng cố, xây dựng đồng bộ các tổ chức; bảo đảm tất cả các thôn, bản, ấp đều có chi bộ hoặc tổ đảng.
Đồng thời, đề xuất nội dung lãnh đạo sát thực, phương pháp sinh hoạt sáng tạo, hiệu quả, trong đó chú trọng việc lồng ghép các nội dung tuyên truyền nghị quyết, chủ trương của địa phương trong các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, giao lưu kết nghĩa do đơn vị quân đội tổ chức. Thường xuyên bám sát địa bàn, phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố và thu hút họ vào công việc xã hội, qua đó tạo nguồn phát triển đảng viên mới cho địa phương.
Bên cạnh đó, các đơn vị quân đội phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân trên nhiều nội dung khác nhau, hướng tới sự ổn định và phát triển của địa phương, trọng tâm là công tác tham mưu về kế hoạch, nội dung hoạt động của công tác quân sự, quốc phòng địa phương... Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân có đủ khả năng đối phó thắng lợi với mọi tình huống; bảo đảm cho cấp ủy, chính quyền nhận định, đánh giá đúng, dự báo sớm, đúng và trúng thực chất tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, xây dựng các phương án bảo vệ an ninh trật tự phù hợp, bảo đảm sự ổn định để phát triển.
Củng cố vững chắc giữa tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể với quần chúng nhân dân
Mặt khác, các đơn vị quân đội tích cực giúp địa phương quản lý lực lượng dự bị động viên; tổ chức, huấn luyện dân quân tự vệ, xây dựng kế hoạch phòng thủ và các kế hoạch phối hợp tác chiến giữa các lực lượng trên từng địa bàn.
Luôn là lực lượng chính trị quan trọng tuyên truyền các chủ trương, chính sách, tăng cường phổ biến và giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ và nhân dân địa phương; tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính quyền cơ sở, xây dựng địa phương vững mạnh về mọi mặt; là “cầu nối” giúp củng cố vững chắc mối quan hệ giữa tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở địa phương với quần chúng nhân dân.
Đặc biệt, với đặc thù và thế mạnh riêng có, các nhà trường quân đội đã đào tạo, bồi dưỡng cho chính quyền các địa phương một số lượng khá đông đảo đội ngũ cán bộ các cấp, góp phần quan trọng vào việc bổ sung, tăng cường lực lượng và sức mạnh của hệ thống chính trị cơ sở. Thế mạnh của Quân đội trong công tác đào tạo cán bộ cho địa phương tập trung ở các lĩnh vực công tác đảng, quản lý Nhà nước, quốc phòng, an ninh, quân y, tài chính,...