Việt Nam đóng góp nhiều đề xuất trong thỏa thuận bảo vệ đại dương

Thanh Hà |

Việt Nam có nhiều ý kiến đóng góp vì lợi ích chung của các nước đang phát triển trong thỏa thuận lịch sử đạt được tại Hội nghị Liên chính phủ về xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia.

Tham gia tích cực, đóng góp thực chất

TTXVN thông tin, ngày 5.3 (giờ Việt Nam), phiên thứ năm Hội nghị liên chính phủ về xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia đã kết thúc, đạt được nhất trí về nội dung văn kiện.

Trong hai tuần làm việc khẩn trương với phiên cuối kéo dài 36 giờ liên tục của hội nghị, đoàn Việt Nam đã có nhiều ý kiến đóng góp vì lợi ích chung của các nước đang phát triển trong thỏa thuận lịch sử này.

Thành công của hội nghị thể hiện quyết tâm chính trị của các quốc gia trong việc đạt được một văn kiện nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học biển tại biển cả. Đây là dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển, trong bối cảnh thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG 14) về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển.

Đoàn liên ngành Việt Nam do Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc làm trưởng đoàn - đã tham gia tích cực và đóng góp thực chất vào tiến trình thương lượng tại hội nghị.

Đoàn Việt Nam có nhiều đề xuất vì lợi ích chung của các nước đang phát triển, đặc biệt là các quy định liên quan đến xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển, đồng thời thúc đẩy các nội dung của dự thảo văn kiện phù hợp với quy định của luật biển quốc tế...

Nội dung văn kiện đạt được tại Hội nghị Liên chính phủ về xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia ghi nhận nguyên tắc nền tảng về việc nguồn gene biển là di sản chung của nhân loại, là cơ sở để mọi lợi ích thu được từ nguồn gene biển cần được chia sẻ công bằng với tất cả các quốc gia.

Đáng chú ý, theo một cơ chế được văn kiện xác định, lần đầu tiên “thông tin chuỗi số hóa về nguồn gene” - được coi là một “tài sản số” gắn liền với nguồn gene biển - và lợi ích liên quan có thể được chia sẻ cho toàn thể nhân loại. Văn kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh các hoạt động liên quan đến đa dạng sinh học trên phạm vi rộng lớn của các đại dương.

Văn kiện đánh dấu sự thỏa hiệp giữa các nhóm nước có lợi ích khác nhau trong việc thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và khai thác bền vững nguồn gene biển ngoài vùng tài phán quốc gia, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ...

Bước đột phá trong bảo vệ đa dạng sinh học

Cũng theo TTXVN, sau nhiều năm đàm phán, các nước thành viên Liên Hợp Quốc cuối cùng đã thông qua văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ biển cả vào ngày 4.3 (ngày 5.3, giờ Việt Nam). Hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo tồn và đảm bảo sử dụng bền vững đa dạng sinh học đại dương đã được thảo luận trong suốt 15 năm, trong đó có 4 năm đàm phán chính thức và được các nhà đàm phán của hơn 100 nước nhất trí sau 5 vòng đàm phán kéo dài do Liên Hợp Quốc chủ trì tại New York, Mỹ.

Trong tuyên bố, chủ trì hội nghị, bà Rena Lee, hoan nghênh việc các nước thông qua văn bản của hiệp ước. Theo bà Lee, hiệp ước sẽ được chính thức thông qua sau khi ngôn từ được các luật sư xem xét chặt chẽ và được dịch ra 6 ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres coi đây là một "chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và của những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại các xu hướng hủy diệt đại dương".

Dù văn bản chính thức chưa được công bố, song các nhà hoạt động môi trường coi việc các nước cùng nhất trí về hiệp ước sau thời gian dài đàm phán là "bước đột phá" trong việc bảo vệ đa dạng sinh học.

Bà Laura Meller - nhà vận động bảo vệ đại dương của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, người đã tham gia các cuộc đàm phán - coi "đây là một ngày lịch sử đối với bảo tồn và là một tín hiệu cho thấy trong một thế giới chia rẽ, bảo vệ thiên nhiên và con người có thể chiến thắng tư duy địa chính trị".

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, biển cả là vùng biển quốc tế, bao gồm tất cả vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo. Do đó, biển cả không thuộc quyền tài phán của bất kỳ nước nào.

Thanh Hà
TIN LIÊN QUAN

Các đối tác quốc tế cam kết ủng hộ Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Thanh Hà |

Tiếp tục các hoạt động nhân dịp tham dự Phiên họp Cấp cao lần thứ 52 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Thụy Sỹ, trong chiều 27 và 28.2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có cuộc gặp lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế.

Mỹ ghi nhận sáng kiến của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Song Minh |

Đại sứ Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michele Taylor ghi nhận tích cực các ưu tiên, sáng kiến của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trong nhiệm kỳ này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc

Song Minh |

Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vào chiều 11.11.

Kê biên khối bất động sản khủng của bà chủ Xuyên Việt Oil

Việt Dũng |

Mai Thị Hồng Hạnh - bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil - bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 1.400 tỉ đồng nên cơ quan chức năng đã kê biên hàng chục bất động sản.

Cấp dưới Trương Mỹ Lan khai: Không ngờ hậu quả quá lớn

Tú Tâm |

TPHCM - Tại phiên xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, trong phần thẩm vấn, nhiều cấp dưới thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.

Sắp triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương

Xuyên Đông |

Ngày 20.9, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương trong năm 2025.

Lào Cai phạt quán ăn tăng giá bất thường mùa mưa lũ

Đinh Đại |

Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã tiến hành lập biên bản và xử phạt cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại huyện Bảo Thắng.

Trường sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm học sinh Thanh Hóa nghỉ học

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Do ảnh hưởng của mưa bão, một trường học đang xây dựng thì bị sạt lở nghiêm trọng. Ngay sau đó, ngành chức năng đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học.