Lần đầu tiên ICJ sẽ tư vấn pháp lý về biến đổi khí hậu
Nghị quyết được đệ trình theo sáng kiến của Vanuatu và Nhóm nòng cốt gồm 18 nước, trong đó có Việt Nam. Với tư cách Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc - đã chủ trì phiên thảo luận và thông qua Nghị quyết.
Theo Nghị quyết, các nước thành viên Liên Hợp Quốc đề nghị ICJ đưa ra ý kiến về nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ môi trường trước vấn đề phát thải khí nhà kính, cũng như về trách nhiệm pháp lý của các quốc gia đã gây ra những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nhiều nước khác.
Với Nghị quyết này, lần đầu tiên ICJ sẽ đưa ra ý kiến về mặt pháp lý liên quan đến biến đổi khí hậu - một trong những vấn đề cấp thiết nhất, được quan tâm thảo luận rộng rãi nhất tại rất nhiều diễn đàn quốc tế, khu vực hiện nay.
Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, việc Nghị quyết được 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc thông qua bằng đồng thuận, trong đó có 132 nước đồng bảo trợ là đặc biệt có ý nghĩa.
Thứ nhất, điều này cho thấy những hậu quả to lớn của biến đổi khí hậu cũng như tính cấp thiết rất rõ ràng của việc cần khẩn cấp tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ hai, tính cấp thiết đó đã lớn tới mức thu hút sự quan tâm rộng rãi của quốc tế. Rất nhiều nước - vốn có thể nhạy cảm với những nội dung mà ICJ có thể đưa ra trong ý kiến tư vấn - cuối cùng cũng quyết định ủng hộ.
Thứ ba, việc Nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận cho thấy, những ưu điểm của cách tiếp cận đa phương, đề cao luật pháp quốc tế, coi trọng tham vấn, đối thoại giữa các quốc gia.
Sự tham gia tích cực của Việt Nam
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết, Việt Nam là 1 trong 5 thành viên đầu tiên của Nhóm các quốc gia nòng cốt, đã tích cực tham gia trong quá trình xây dựng nội dung dự thảo Nghị quyết với gần 50 cuộc họp của Nhóm từ tháng 9.2022 tới nay, cũng như trong ba vòng tham vấn chính thức với toàn bộ các nước thành viên Liên Hợp Quốc cùng nhiều cuộc tiếp xúc không chính thức khác.
Nhiều góp ý của Việt Nam được đưa vào Nghị quyết, trong đó có việc đưa nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng khác biệt”, đề cập các tác động của biến đổi khí hậu đối với các nước đang phát triển, các nước dễ bị tổn thương, các sáng kiến của Việt Nam đề xuất tại Hội đồng Nhân quyền về biến đổi khí hậu…
Đóng góp của Việt Nam giúp nội dung Nghị quyết cân bằng, toàn diện hơn, giúp làm rõ phần câu hỏi pháp lý là nội dung quan trọng nhất, được bạn bè ủng hộ và đánh giá cao.
Việt Nam cũng đã tích cực tham gia điều hành các phiên tham vấn, vận động các thành viên trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các nước đối tác/bạn bè thân thiết khác ủng hộ/đồng bảo trợ Nghị quyết, góp phần vào thành công chung của việc thông qua Nghị quyết.
Do vị trí địa lý đặc thù cùng đường bờ biển dài hơn 3.000 km, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là từ vấn đề nước biển dâng. Theo một số nghiên cứu, nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long và 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của 20-30 triệu người dân. Chính vì vậy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách toàn diện, quyết liệt nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, trong đó có việc tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, việc tích cực tham gia Nhóm nòng cốt xây dựng Nghị quyết giúp đề cao các chính sách và nỗ lực tích cực của Việt Nam về ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm cam kết giảm phát thải ròng về mức bằng 0 vào năm 2050, cũng như vai trò tích cực của Việt Nam trong các cơ chế, diễn đàn quốc tế về biến đổi khí hậu, góp phần chung cùng các nước tăng cường hợp tác quốc tế về vấn đề này, từ đó tranh thủ thêm hỗ trợ của quốc tế đối với các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu của ta.
Lâu dài hơn, việc ICJ đưa ra ý kiến tư vấn có khả năng giúp có thêm những biện pháp, nguồn lực mạnh hơn cho ứng phó biến đổi khí hậu, vừa giúp giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu, vừa giúp thúc đẩy hỗ trợ trực tiếp cho các nước đang phát triển như Việt Nam trong ứng phó ở cấp độ quốc gia.
Việc tham gia xây dựng Nghị quyết này cũng khẳng định mạnh mẽ quan điểm của Việt Nam là việc giải quyết các vấn đề toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn cầu, trên cơ sở coi trọng hợp tác đa phương, coi trọng vai trò của các thể chế đa phương và nhất là trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.