Phát biểu tại Lễ triển khai Dự án, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định, Dự án “Hỗ trợ sinh kế cho người dân và nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu cho cộng đồng tại tỉnh Hậu Giang” nhằm mục tiêu cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ yếu thế do tác động của biến đổi khí hậu.
Đặc biệt là các hộ nghèo, sinh sống bằng nghề nông; góp phần phát triển cộng đồng; nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng, để xác định khủng hoảng do biến đổi khí hậu gây ra tại vùng nông thôn, hỗ trợ phương tiện, công cụ và các cơ sở vật chất khác cho hệ sinh thái.
Đồng thời, chủ động thích ứng, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, để bảo tồn bền vững hệ sinh thái; mang đến trải nghiệm thực tế cho sinh viên, tìm hiểu về phát triển nông thôn.
Để tổ chức thực hiện tốt dự án, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị, Sở NNPTNT phối hợp với tổ chức MYI, Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ triển khai thực hiện dự án và các chương trình, hoạt động theo nội dung Bản ghi nhớ.
Tuân thủ các trình tự, thủ tục, chính sách theo quy định của mỗi bên và tiếp tục mở rộng dự án, nếu dự án khả thi trong thực tế. Tổ chức MYI triển khai thực hiện tốt các nội dung của dự án, thực hiện đúng cam kết giữa các bên, thi hành đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Ông Kim Choo In, Tổng Thư ký tổ chức MYI, cho biết, trong thời gian triển khai thực hiện dự án, MYI cùng với Sở NNPTNT tỉnh và Khoa Phát triển nông thôn (Trường Đại học Cần Thơ) sẽ thiết lập một hệ thống đánh giá rủi ro khí hậu, xây dựng thêm các trạm quan trắc độ mặn nước mặt, và thông qua kỹ thuật Công nghệ thông tin – Truyền thông để tăng cường khả năng quản lý từ xa.
Đến năm 2025, dự án sẽ xây dựng thêm tổng cộng 5 trạm quan trắc độ mặn để liên kết hạ tầng với nhiều hoạt động khác nhằm giảm thiệt hại do hạn mặn tại huyện Long Mỹ và xây dựng hệ thống quản lý đảm bảo các trạm hoạt động tốt. Thông qua đó, sẽ tăng cường năng lực ứng phó với khủng hoảng quản lý nước cho huyện Long Mỹ.
Ngoài ra, MYI dự định thực hiện nhiều chương trình khác nhau như giáo dục kinh tế cơ bản; giáo dục thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như các dự án hỗ trợ tài chính khác nhau với chính quyền địa phương cho các đối tượng sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do biến đổi khí hậu và những đối tượng đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
Đây là dự án phi Chính phủ thực hiện thông qua 2 chương trình, gồm: Chương trình hỗ trợ “Nghiên cứu phát triển nông thôn cho nông nghiệp tại cộng đồng và hỗ trợ cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Hậu Giang”; Chương trình thực tập sinh “Tổ chức chương trình thực tập cho sinh viên Khoa Phát triển nông thôn - Trường Đại học Cần Thơ học tập về phát triển nông thôn tại tỉnh Hậu Giang”.
Dự án được thực hiện trong 4 năm (2022 - 2025) với tổng nguồn vốn hơn 4,1 tỉ đồng, được đầu tư trên địa bàn huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.