Theo ghi nhận, liên tiếp những năm gần đây, việc giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương đạt tỉ tỉ lệ thấp.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, giá trị giải ngân kế hoạch năm 2020 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2021 là 597 tỉ đồng (đạt 47,8% kế hoạch). Tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công trong năm 2021 đến ngày 31.1.2022 là 8.333.493.000 đồng, đạt 61,5% kế hoạch.
Về nguyên nhân, việc giải ngân vốn đầu tư công đạt tỉ lệ thấp hơn so với kế hoạch đề ra, một số địa phương và đơn vị giải thích, do công tác chuẩn bị đầu tư dự án chưa tốt. Từ đó dẫn đến một số dự án phải điều chỉnh do phát sinh đơn giá đền bù, thay đổi thiết kế, phát sinh hạng mục vượt tổng mức đầu tư.
Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư vẫn là điểm nghẽn chính trong giải ngân vốn đầu tư công, chưa có giải pháp tháo gỡ hiệu quả.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo các ngành, địa phương cần xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Đồng thời lưu ý, thời gian tới, cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn các dự án giao thông, y tế, giáo dục. Thúc đẩy tiến độ các dự án thành phố thông minh, hệ thống giám sát giao thông.
Được biết, trong năm 2021 và đầu 2022, tỉnh Bình Dương đã khởi công một số công trình như Trung tâm hành chính huyện Bắc Tân Uyên, cầu bắc qua sông Đồng Nai, dự án tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, cầu đường nối Bình Dương với Tây Ninh...
Trong năm 2021, Bình Dương cũng hoàn thành, đưa vào sử dụng 30 dự án với các công trình, đáng chú ý là dự án Đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài. Tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong việc rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực giao thông tuyến quốc lộ 13, tăng tính kết nối giao thông vùng Đông Nam Bộ.