Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần có tầm nhìn chiến lược để đưa vùng ĐBSCL phát triển bền vững, xây dựng vùng ĐBSCL từ vựa lúa trở thành vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Thủ tướng Chính phủ, phải thông suốt những quan điểm về phát triển bền vững vùng ĐBSCL, đó là: Bảo tồn những giá trị văn hóa và cuộc sống của người dân; đổi mới tư duy phát triển truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao; phát triển thuận tự nhiên, hạn chế việc can thiệp quá mức vào thiên nhiên.
Điều đó có nghĩa, vùng ĐBSCL chủ yếu vẫn sẽ phát triển dựa trên nền tảng nông nghiệp như bao đời qua. Nhưng là nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, những sản phẩm đặc thù của vùng sẽ đủ sức chính phục thị trường thế giới bởi chất lượng vượt trội, độ an toàn cao. Mặn và ngọt đều là tài nguyên, đều phải đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển của vùng… BĐKH là thách thức lớn, nhưng vùng ĐBSCL sẽ biến thách thức thành cơ hội, sống chung với BĐKH và tận dụng những gì BĐKH đem lại.
Để thực hiện những quan điểm, ý tưởng lớn ấy, cần phải có tiền. Và tiền cho vùng ĐBSCL sẽ được ưu tiên trong thời gian tới. Từ nay đến năm 2020, Chính phủ sẽ giải ngân có hiệu quả 1 tỉ USD để triển khai một số công trình quan trọng ở ĐBSCL để góp phần giúp thích ứng với BĐKH. Từ hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cam kết không chỉ hỗ trợ phát triển kinh tế mà còn giúp cải thiện chất lượng sống cho cộng đồng dân cư khu vùng ĐBSCL. Ngân hàng Thế giới luôn quan tâm phối hợp hiệu quả để tạo ra những kết quả tích cực, mang lại tương lai tươi sáng cho ĐBSCL.
Có thể tin tưởng rằng, một khi đã nhìn nhận đúng bản chất vấn đề để đề ra những quyết sách phù hợp, cùng với quyết tâm hành động cao của Chính phủ, vùng đất dễ bị tổn thương nhất do BĐKH này sẽ không bị “nhấn chìm”, mà trái lại sẽ phát triển bền vững hơn!