Truyền thống vẻ vang
Cuộc tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ Cẩm Phả đã lan ra toàn khu mỏ, buộc chủ mỏ và thực dân Pháp phải nhượng bộ, chấp nhận yêu sách đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập. Thắng lợi này đã để lại cho tổ chức Đảng và phong trào đội ngũ công nhân Vùng mỏ bài học to lớn, có ý nghĩa lịch sử về tập hợp lực lượng, tính kỷ luật trong đấu tranh; về sự đùm bọc tương thân, tương ái của những người thợ mỏ và nhân dân Vùng mỏ được kết tinh trong khẩu hiệu “Kỷ luật - Đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng!”.
Sau này, khi giải phóng Vùng mỏ (ngày 25.4.1955), Đặc khu ủy Hồng Quảng quyết định chọn ngày 12.11.1936 là Ngày miền mỏ bất khuất (nay gọi là Ngày Truyền thống công Vùng mỏ). Năm 1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định lấy đây là Ngày Truyền thống ngành Than.
Suốt hành trình 83 năm xây dựng và phát triển, ngành Than đã trải qua nhiều dấu mốc lịch sử đáng nhớ. Ngày 10.10.1994, Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng Cty Than Việt Nam. Năm 2005, Chính phủ đã quyết định thành lập Tập đoàn Than Việt Nam, rồi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện nay.
Giai đoạn 2010-2017, do ảnh hưởng của thị trường than tiêu thụ chậm, ngành Than liên tục rơi vào tình trạng sản xuất bị đình trệ dẫn tới sản lượng than tồn kho cao. Có thời điểm lượng than tồn kho của TKV lên đến trên 10 triệu tấn; việc làm, thu nhập và đời sống thợ mỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh khó khăn tinh thần và sức mạnh “Kỷ luật và Đồng tâm” lại được thế hệ thợ lò phát huy. Hàng vạn công nhân thợ mỏ cùng lãnh đạo Tập đoàn đã chủ động đối mặt với khó khăn, tháo gỡ dần từng nút thắt, tìm ra được giải pháp hợp lý trong điều hành sản xuất kinh doanh, nhờ đó TKV đã nhanh chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng, tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, ổn định việc làm thu nhập cho công nhân.
Nếu như năm 1995, sản lượng than khai thác của TKV mới đạt trên 7,2 triệu tấn, thì 2 năm 1997 ngành Than đã khai thác được 11,3 triệu tấn. Đến năm 2005, TKV đã sản xuất được hơn 31,3 triệu tấn. Dự kiến năm 2019, sẽ sản xuất trên 40 triệu tấn.
Chinh phục những mục tiêu mới
Giai đoạn 2015-2020 và sau năm 2020, TKV đặt mục tiêu xây dựng trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh; có cơ cấu sản xuất, kinh doanh hợp lý, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí, vật liệu xây dựng; mở rộng hợp tác kinh doanh quốc tế..., góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy các ngành kinh tế đất nước cùng phát triển.
Cùng với những thuận lợi, TKV cũng đang phải đối mặt với thách thức mới. Đó là, trữ lượng khai thác than lộ thiên ngày càng bị cạn kiệt, các mỏ hầm lò ngày càng xuống sâu kéo theo chi phí về thăm dò, khai thác, vận chuyển, an toàn bảo hộ lao động, môi trường...
Đứng trước tình hình đó, Tập đoàn đã mạnh dạn đầu tư các dự án mỏ hầm lò. Tiêu biểu như: Dự án đầu tư xây dựng công trình hầm lò mỏ than Núi Béo; Dự án Khai thác hầm lò dưới mức -150, mỏ Mạo Khê; Dự án Khe Chàm II-IV, Công ty Than Hạ Long. Những dự án này đang cho thấy quyết tâm TKV trong việc làm chủ công nghệ khai thác than hầm lò để chinh phục những độ sâu mới từ -150 đến -400; mở hướng nâng cao năng lực sản xuất cho các đơn vị ngành Than.
Giai đoạn 2017-2020, TKV đang tập trung đầu tư ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào các lĩnh vực sản xuất và chế biến than. Điển hình ngoài áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại Cty CP Than Hà Lầm, TKV còn đang nhân rộng cơ giới hóa từng phần ra các đơn vị khác theo hướng phù hợp với điều kiện địa chất của từng mỏ. Nhờ đó, sản lượng khai thác than bằng phương pháp công nghệ cơ giới hóa của TKV hằng năm đều tăng đáng kể (năm 2018, sản lượng khai thác than bằng cơ giới hóa của TKV chiếm tới 13% tổng sản lượng khai thác hầm lò).
Năm 2019, TKV đặt mục tiêu sản xuất trên 40 triệu tấn than nguyên khai, than tiêu thụ hơn 42 triệu tấn (tăng 4 triệu tấn so với năm 2018).