SCMP đưa tin, các nhà đầu tư Trung Quốc đang nhanh chóng chuyển sang cổ phiếu và trái phiếu nước ngoài khi nền kinh tế trong nước chững lại và thị trường cổ phiếu hạng A vẫn trì trệ.
Theo Howhow Zhang, giám đốc nhóm chiến lược toàn cầu của KPMG tại Trung Quốc, căng thẳng địa chính trị đang diễn ra giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ không làm giảm nhu cầu của các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục đối với cổ phiếu và trái phiếu ở nước ngoài.
Ông Zhang cho biết, các tài sản định giá bằng USD, chẳng hạn như trái phiếu kho bạc và trái phiếu doanh nghiệp, ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc vì lãi suất tăng. Đồng USD mạnh hơn có thể thu hút nhiều nhà đầu tư Trung Quốc hơn.
Trong quý II/2023, GDP của Trung Quốc tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với dự báo 7% của các nhà kinh tế. So với quý I/2023, GDP quý II chỉ tăng 0,8%, chậm lại đáng kể so với mức tăng 2,2% trong quý I.
SCMP cho rằng, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự phục hồi sau mở cửa trở lại không đáp ứng được kỳ vọng. Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt vào tháng 12.2022 và giới đầu tư cũng như giới phân tích đã kỳ vọng hoạt động sản xuất, tiêu dùng, đầu tư tài sản cố định và xuất khẩu sẽ có bước nhảy vọt.
Ông Zhang cho hay, các nhà quản lý ở đại lục có thể sẽ tiếp tục cấp giấy phép và hạn ngạch ngoại hối cho các nhà quản lý tài sản đủ điều kiện để tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn xuyên biên giới.
Ngoài các chương trình "Kết nối chứng khoán" liên kết các sàn giao dịch của đại lục với đối tác ở Hong Kong (Trung Quốc), các chương trình khác như "Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ năng lực" (QFII) hay "Hợp tác hữu hạn nội địa" (QDLP) cũng được kỳ vọng sẽ nhận được phản hồi tích cực từ các cá nhân giàu có.
Những chương trình này cho phép các tổ chức huy động vốn từ các nhà đầu tư đại lục, sau đó chuyển đổi thành ngoại tệ để mua trái phiếu và cổ phiếu niêm yết ở nước ngoài.
Theo báo cáo quản lý tài sản mới nhất của Trung Quốc mà KPMG biên soạn hàng năm, Bắc Kinh đã cấp tổng hạn ngạch đầu tư QDII là 162,7 tỉ USD vào cuối tháng 6, gần gấp đôi so với mức 85,6 tỉ USD được phân bổ vào năm 2012. Hạn ngạch cho QDLP hiện ở mức 58 tỉ USD.
Ông Zhang cho biết, nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư sẽ thúc đẩy tăng trưởng của các quỹ QDII và QDLP.
Tại đại lục, chỉ số CSI 300 đã giảm 0,4% từ đầu năm đến nay, đóng cửa ở mức 3.854,94 hôm 18.7, khiến Trung Quốc trở thành thị trường chứng khoán lớn hoạt động kém nhất thế giới vào năm 2023.
Trong khi đó, khối lượng giao dịch mua nhà tại 330 thành phố đã giảm 19,2% trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ, tổng giá trị giao dịch giảm 23,4%.
Dữ liệu của Viện nghiên cứu Beike dựa trên các mẫu ở 25 thành phố cho thấy giá nhà trong tháng 6 đã giảm 1,4% so với tháng 5, sau khi giảm 1% trong tháng 5 và giảm 0,7% trong tháng 4.
“Nền kinh tế yếu kém và thị trường cổ phiếu hạng A đang ngủ yên, cùng với giá bất động sản giảm ở đại lục, đã làm tổn thương niềm tin của các nhà đầu tư, khiến nhiều người trong số họ đang tìm cách đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu nước ngoài” - Ivan Li, nhà quản lý quỹ tại Loyal Wealth Management ở Thượng Hải, nói.
Theo ông Li, các nhà quản lý quỹ phải tung ra nhiều sản phẩm mới hơn để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các cá nhân giàu có. Hầu hết nhà đầu tư dường như có lập trường thận trọng đối với đầu tư nước ngoài vì họ mong muốn theo đuổi lợi nhuận ổn định nhưng an toàn.