Lễ đăng quang của Vua Charles III ngày 6.5 - do Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby chủ trì - diễn ra tại Tu viện Westminster ở London, nhà thờ đã diễn ra các đăng quang của quân vương nước Anh từ năm 1066.
Bộ sưu tập các vật phẩm hoàng gia thường được lưu giữ trong Tháp London sẽ được trao cho Vua Charles trong buổi lễ, chính thức xác định thân phận của ông từ thái tử thành quốc vương.
Lễ rước từ Westminster
Lễ đăng quang bắt đầu khi Vua Charles và Vương hậu Camilla đi từ Điện Buckingham đến Tu viện Westminster.
Nhà vua và vương hậu sẽ ngồi cỗ xe Diamond Jubilee State Coach do 6 con ngựa Windsor Grey kéo. Cỗ xe đóng tại Australia năm 2010 và giao cho Nữ hoàng Elizabeth II năm 2014.
Sau nghi lễ, Vua Charles và Vương hậu Camilla được đưa trở lại cung điện trên cỗ xe Gold State Coach - cỗ xe đã được sử dụng trong mọi lễ đăng quang của quân vương Anh kể từ William IV năm 1831.
Cỗ xe khổng lồ 260 tuổi - dài 7 mét, cao 3,6 mét và nặng 4 tấn - chỉ có thể được sử dụng ở tốc độ như đi bộ, "bổ sung thêm cho sự uy nghiêm và trang nghiêm của đám rước hoàng gia vĩ đại này".
Hiện đại hóa một nghi lễ cổ xưa
Lễ đăng quang ngày 6.5 bắt đầu lúc 11h giờ địa phương và dự kiến kéo dài khoảng 2 giờ. Tổng Giám mục Canterbury cho biết, sự kiện này sẽ “tôn vinh truyền thống” đồng thời chứa đựng “những yếu tố mới phản ánh sự đa dạng của xã hội đương đại của chúng ta”.
Lễ đăng quang cũng sẽ được nâng tầm với chương trình âm nhạc do Vua Charles III đích thân lựa chọn với sự giúp đỡ của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Anh Andrew Lloyd Webber - người đã viết 1 trong 12 tác phẩm mới cho dịp này.
Dù có nỗ lực để hiện đại hóa, những yếu tố cốt lõi trong nghi thức đăng quang lịch sử - lễ công nhận, tuyên thệ, xức dầu, tấn phong và trao vương miện, đăng quang - vẫn được giữ nguyên.
Một số khoảnh khắc quan trọng trong số này, các lễ vật đăng quang - biểu tượng mạnh mẽ của chế độ quân chủ được các nhà vua và nữ hoàng tích luỹ trong lịch sử - sẽ được trao cho Vua Charles.
Yếu tố chủ đạo của lễ đăng quang là lễ công nhận. Đây là khoảnh khắc mang tính biểu tượng khi Vua Charles đứng trên bục đặc biệt được dựng lên trong tu viện và được giới thiệu với mọi người. Sau đó, nhà vua sẽ nhận Kinh thánh Đăng quang và tuyên thệ đăng quang.
Yếu tố thứ ba của lễ đăng quang là khi nhà vua ngồi trên Ghế đăng quang và được Tổng Giám mục xức dầu thánh.
Ghế đăng quang, còn được gọi là Ghế St.Edward - vật phẩm cổ xưa khác được sử dụng trong thời điểm đăng quang. Ghế St.Edward cao 2 m, được làm theo yêu cầu của Edward I để cất giữ Stone of Scone hay Stone of Destiny - viên đá đăng quang của các vị vua Scotland - sau khi ông chiếm được vương miện và quyền trượng của Scotland vào năm 1296.
Ghế St.Edward làm bằng gỗ sồi Baltic, được trang trí bằng hoa văn động vật, tán lá và chim trên nền mạ vàng. Trên lưng ghế có hình vị vua đang gác chân lên sư tử.
Tổng Giám mục xức dầu thánh là phần thiêng liêng nhất của buổi lễ và sẽ không được phát sóng vì một màn hình 3 bên đặc biệt sẽ được nâng lên để bảo vệ sự tôn nghiêm của nghi lễ này.
Tổng Giám mục sẽ đổ “dầu thánh” từ Ampulla - chiếc bình bằng vàng có hình con đại bàng - lên Chiếc thìa đăng quang trước khi xức dầu lên đầu, ngực và tay của Vua Charles. Chiếc thìa từ thế kỷ 12 là vật lâu đời nhất được sử dụng trong lễ đăng quang. Tuy nhiên, chiếc bình Ampulla ban đầu có thể đã bị nấu chảy và chiếc mới đã được tạo ra cho lễ đăng quang của Vua Charles II vào năm 1661.
Phần tiếp theo là lễ tấn phong, khi nhà vua mặc lễ phục bằng vàng và được trao vật phẩm đăng quang. Trong số những đồ vật quý giá này có thanh kiếm Sword of Offering hay Jewelled Sword.
Thanh kiếm này được làm vào năm 1820 và được sử dụng lần đầu tại lễ đăng quang của Vua George IV. Jewelled Sword có lưỡi kiếm bằng thép, gắn vàng và khảm ngọc lục bảo, hồng ngọc, ngọc bích và kim cương tạo thành hình hoa hồng, lá sồi, đầu sư tử... Thanh kiếm được đựng trong bao da bọc vàng tinh xảo.
Được sử dụng trong mọi lễ đăng quang từ năm 1661, Sovereign's Orb tượng trưng cho quyền lực hoàng gia và thế giới Cơ đốc giáo. Được làm bằng 2 nửa cầu rỗng bằng vàng gắn với nhau bằng những dải trang sức.
Quả cầu được chia thành 3 phần đại diện cho ba lục địa được biết đến trong thời kỳ trung cổ. Sovereign's Orb được nạm 365 viên kim cương, 18 viên hồng ngọc, 9 viên ngọc lục bảo và 9 viên ngọc bích, nhiều trong số đó là đá quý nguyên bản. Viên ngọc quý nhất là thạch anh tím.
Hai vương trượng Sovereign's Sceptres sẽ xuất hiện trong lễ đăng quang của Vua Charles. Trong đó, Sovereign's Scepter with Cross biểu thị quyền lực tạm thời và gắn với việc cai trị tốt. Trong những năm qua, có một số thay đổi với vương trượng này, chú ý nhất là sự kết hợp của viên kim cương Cullinan I nặng 530 carat ở đỉnh của thanh vương trượng từ năm 1911.
Cullinan I được cắt ra từ viên kim cương thô nặng 3.106 carat khai thác ở Nam Phi năm 1905. Trong khi đó, vương trượng Sovereign's Scepter with Dove, còn được gọi là “Ross of Equity and Mercy" tượng trưng cho uy quyền tâm linh với con chim tượng trưng cho thánh thần.
Vương miện St.Edward được xem là trung tâm của lễ đăng quang với việc trao vương miện. Vương miện St.Edward thuộc bộ sưu tập Crown Jewels và được làm cho Charles II. Nguyên mẫu của vương miện này thời trung cổ đã bị nấu chảy năm 1649.
Vương miện nặng 2,23 kg có cấu trúc đơn giản với các chi tiết bằng vàng nguyên khối. Vương miện St.Edward được trang trí 444 viên đá quý, bao gồm hồng ngọc, thạch anh tím, ngọc bích và các loại đá quý khác.