Trừng phạt Nga và hiệu ứng domino tồi tệ với thế giới

Song Minh |

Các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây không chỉ tác động đến Nga mà còn gây hiệu ứng domino tới toàn thế giới.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã có tác động không nhỏ tới nền kinh tế của Nga. Tuy nhiên, tác động của các lệnh trừng phạt này đồng thời cũng đang dần ảnh hưởng tới nền kinh tế của các quốc gia khác trên thế giới.

Theo RT, các nhà kinh tế học đã bày tỏ quan ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu trong tương lai khi tình trạng hỗn loạn tài chính ngày càng gia tăng.

Ảnh hưởng của lệnh trừng phạt Nga đối với nền kinh tế toàn cầu

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt sẽ có tác động lớn tới GDP toàn quốc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đồng thời bày tỏ quan ngại về một cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu. Họ cho biết thêm rằng các lệnh trừng phạt tới Nga sẽ gây ra hậu quả không nhỏ tới nhiều quốc gia khác.

Thương mại toàn cầu đứng trước nguy cơ sụp đổ

Theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu Kiel, Đức, cuộc xung đột tại Ukraina cùng các lệnh trừng phạt đã khiến rất nhiều quốc gia phải hứng chịu sự sụt giảm trong thương mại quốc tế, ngay khi mới chỉ bắt đầu phục hồi sau cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 vào năm 2020.

Rất nhiều chuyến tàu Trung Quốc - Châu Âu đi qua Nga đã bị huỷ, mặc dù vừa mới năm ngoái tuyến đường này liên tục bị tắc nghẽn do lượng khách đông.

Các nhà phân tích cho biết lệnh trừng phạt Nga đang có những ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại toàn cầu, nhất là đối với ngành xuất nhập khẩu.

Người dân xếp hàng bên ngoài chi nhánh của ngân hàng quốc doanh Nga Sberbank ở Prague để rút tiền tiết kiệm và đóng tài khoản, trước khi Sberbank đóng cửa tất cả các chi nhánh tại Czech, ngày 25.2.2022. Ảnh: AFP
Người dân xếp hàng bên ngoài chi nhánh của ngân hàng quốc doanh Nga Sberbank ở Prague để rút tiền tiết kiệm và đóng tài khoản, trước khi Sberbank đóng cửa tất cả các chi nhánh tại Czech, ngày 25.2.2022. Ảnh: AFP

Gia tăng các vấn đề về chuỗi cung ứng

Do tác động của lệnh trừng phạt, hàng trăm tàu chở dầu và tàu chở hàng đã phải chuyển hướng khỏi các cảng tại Nga và Ukraina ở Biển Đen. Điều này đã khiến các bên vận chuyển không thể dỡ hàng và chỉ có thể cho tàu lênh đênh giữa đại dương.

Đại dịch COVID-19 đã có những tác động nặng nề tới chuỗi cung ứng trên thế giới, dẫn đến tình trạng thiếu hụt, gián đoạn cũng như lạm phát giá cước nghiêm trọng. Các chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraina cùng các lệnh trừng phạt liên tiếp có thể gây ra cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng chưa từng có trên toàn cầu, tác động tiêu cực tới dịch vụ vận chuyển hàng hoá trên toàn thế giới.

Thiếu hụt nguồn cung lương thực, thực phẩm

Cuộc xung đột cùng các lệnh trừng phạt có thể gây tác động trầm trọng tới cuộc sống của hàng triệu người dân. Do nhu cầu tăng vọt, kết hợp chi phí đầu vào và vận chuyển, cũng như những khó khăn tại cảng, giá lương thực thực phẩm hiện đã đạt mức cao nhất vào tháng 2.2022.

Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc cho biết, cuộc xung đột hiện tại có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trên toàn thế giới vì hiện Nga và Ukraina đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và cung cấp lương thực phẩm toàn cầu.

Nạn đói ở Yemen có thể trầm trọng hơn vì giá lương thực tăng cao. Ảnh: AFP
Nạn đói ở Yemen có thể trầm trọng hơn vì giá lương thực tăng cao. Ảnh: AFP

Cơ quan Liên Hợp Quốc cho hay, giá lúa mì và lúa mạch toàn cầu đã tăng 31% trong năm 2021, trong khi giá dầu tăng hơn 60%. Nhu cầu cao cùng giá khí đốt biến động đồng thời làm tăng chi phí phân bón.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể khiến giá lương thực toàn cầu tăng cao hơn nữa vì Nga là một trong các bên sản xuất và cung cấp phân bón chính trên toàn thế giới.

Áp lực giá cả

Theo các nhà phân tích, người tiêu dùng phương Tây sẽ sớm phải đối mặt với viễn cảnh chi phí tăng vọt đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày. Nga là nước xuất khẩu nguyên liệu thô hàng đầu thế giới.

Những nguyên liệu như dầu thô, khí đốt tự nhiên, than đá, kim loại, khoáng sản, gỗ và nhựa đều được sử dụng trong sản xuất công nghiệp, từ thép đến thiết bị điện tử.

Các biện pháp trừng phạt có nguy cơ khiến giá hàng hoá tăng vọt lên mức độ chưa từng thấy trong lịch sử. Chi phí sử dụng năng lượng cao đã và đang có những ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều hộ gia đình. Mặc dù một số quốc gia đã có những động thái dự trữ nguồn tài nguyên, các chuyên gia cảnh báo rằng chi phí vẫn có thể tăng lên mức không thể chi trả.

Giá xăng ở Mỹ tăng vọt lên hơn 5 USD/gallon hồi đầu tháng 3.2022. Ảnh: AFP
Giá xăng ở Mỹ tăng vọt lên hơn 5 USD/gallon hồi đầu tháng 3.2022. Ảnh: AFP

Đáp lại các biện pháp trừng phạt

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt với Nga sẽ có những tác động tiêu cực tới nhiều nước ở phương Tây cũng như trên toàn thế giới. Điều này có thể xảy ra dưới nhiều hình thức, bao gồm giá cả thực phẩm và năng lượng phi mã.

Nga cũng đã bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt đáp trả đối với phương Tây như cấm vận xuất khẩu đối với các mặt hàng thiết bị viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, điện và công nghiệp cho đến cuối năm 2022. Tổng cộng hơn 200 mặt hàng có trong danh sách cấm xuất khẩu, bao gồm toa tàu, container, tua-bin cùng nhiều loại hàng hoá khác.

Trong trường hợp Nga quyết định cắt nguồn cung dầu và khí đốt cho Châu Âu, giá năng lượng sẽ tăng vọt dẫn đến nền kinh tế nhiều khu vực sẽ rơi vào tình trạng suy thoái.

Nỗi lo về suy thoái toàn cầu

Cuộc khảo sát mới nhất từ Ngân hàng Mỹ (BofA) cho thấy các nhà đầu tư đã bắt đầu tích trữ tiền mặt do lo ngại suy thoái kinh tế. Michael Hartnett, chiến lược gia đầu tư chính của BofA cho biết, kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu của các nhà quản lý quỹ đang ở mức thấp nhất trong 14 năm, hầu hết những người tham gia khảo sát đều cho rằng lạm phát là không thể tránh khỏi.

Các nhà kinh tế học nói rằng giá xăng dầu và khí đốt tăng cao đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới. Nancy Tengler, Giám đốc điều hành Laffer Tengler Investments, cho biết lạm phát cùng chi phí năng lượng tăng là nhân tố chính khẳng định sự suy thoái tại khu vực các nước Liên minh Châu Âu.

Song Minh
TIN LIÊN QUAN

Nga hé lộ phác thảo về thỏa thuận hòa bình Ukraina

Khánh Minh |

Một số chi tiết trong thỏa thuận hòa bình Ukraina đã được Nga hé lộ hôm 16.3.

Mỹ giục Ấn Độ nghĩ kỹ trước khi mua dầu giảm giá của Nga

Khánh Minh |

Thư ký báo chí Nhà Trắng thúc giục Ấn Độ không thực hiện kế hoạch mua dầu chiết khấu của Nga.

Đức sợ rơi vào cảnh nghèo đói hàng loạt nếu cấm dầu khí Nga

Song Minh |

Đức cảnh báo việc tẩy chay dầu khí Nga có thể gây hại cho chính người dân Đức, dẫn đến thất nghiệp và nghèo đói hàng loạt.

Danh tính nạn nhân trong cabin xe tải dưới cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Cơ quan Công an đã xác định được danh tính nạn nhân được phát hiện trong cabin xe tải gần khu vực cầu Phong Châu bị sập.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Thông xe cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau 8 ngày sạt lở

Đinh Đại |

Sự cố về sạt lở đã khiến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC18) không thể hoạt động và mất nhiều ngày để khắc phục.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.