Luật sư Đặng Thị Tâm - Văn phòng Luật sư Quốc Thái, Đoàn luật sư TP.Hà Nội trả lời:
Theo thông tin mà bạn cung cấp thì sau ly hôn, quyền nuôi con thuộc về vợ bạn, song vợ bạn lại không cho bạn đến thăm con. Như vậy, vợ bạn đã xâm phạm đến quyền của người cha không trực tiếp nuôi con sau ly hôn, vi phạm nghĩa vụ của người mẹ trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Cụ thể:
"Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Khoản 2, Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con."
Về quyền thăm nom tới đâu thì pháp luật không có quy định cụ thể, nhưng miễn là việc thăm nom đó không trái đạo đức xã hội và không gây ảnh hưởng tới việc sinh hoạt và làm việc của gia đình vợ anh.
Với hành vi này, vợ bạn có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, cụ thể:
“Điều 53. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
Hãy liên hệ tổng đài tư vấn luật miễn phí 19008088 - đường dây nóng: 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến số 6 Phạm Văn Bạch, Yên Hòa, Cầu Giấy, HN và 39 Trương Định, P6, Q3, TP HCM vào thứ 3, thứ 6 hàng tuần để được tư vấn trực tiếp.