Không phải bồi thường tiền lương
Bạn đọc số 0962902XXX, gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi là viên chức đang làm việc tại Trung tâm y tế huyện X. Tôi thi đậu tại chức trình độ bác sĩ, nhưng được yêu cầu phải làm đơn cam kết sẽ làm việc cho trung tâm sau khi tốt nghiệp 5 năm, nếu không thì phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo, tiền lương nhận được của thời gian đi học. Trung tâm làm như vậy có đúng?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 3, điều 35 Luật Viên chức 2010 quy định: Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ. Điểm c, khoản 4, điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP có quy định các trường hợp viên chức được cử đi đào tạo ở trong nước và ngoài nước phải đền bù chi phí đào tạo nếu đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học từ trình độ trung cấp trở lên nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết quy định tại điểm b, khoản 2 điều này (có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hải quan nghề nghiệp tại đơn vị sự nghiệp công lập sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo – PV).
Theo quy định tại khoản 2, điều 16, Thông tư số 15/2012/TT –BNV thì viên chức không phải bồi thường chi phí đào tạo khi: a) Viên chức không hoàn thành khóa học do ốm đau phải điều trị, có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; b) Viên chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết phải thuyên chuyển công tác được cơ quan có thẩm quyền đồng ý; c) Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với viên chức khi đơn vị buộc phải thu hẹp quy mô, không còn vị trí việc làm hoặc chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Cách tính đền bù chi phí đào tạo được quy định tại Điều 17 Thông tư 15/2012 của Bộ Nội vụ như sau: 1. Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp nếu có. Đối với trường hợp quy định tại điểm a, khoản 4, điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, viên chức phải đền bù 100% chi phí đào tạo; Đối với trường hợp quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, viên chức phải đền bù 50% chi phí của khóa học; Đối với các trường hợp quy định tại điểm c, khoản 4, điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, chi phí đền bù được tính theo công thức sau: S = (F / T1) x (T1 - T2). Trong đó: S là chi phí đền bù; F là tổng chi phí của khóa học; T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn; T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.
Như vậy, chi phí đền bù ở đây không bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có). Việc Trung tâm yêu cầu bạn phải bồi thường cả tiền lương trong thời gian đi học nếu không làm việc đủ thời gian cam kết là không đúng.
Đang bình thường bị chấm dứt HĐLĐ vì lý do sức khỏe có đúng?
Bạn đọc số 01668938XXX, gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi đang làm tổ phó, Cty nói không đạt yêu cầu. Tôi xin xuống làm CN, nhưng Cty không chịu và nói cho tôi nghỉ vì lý do sức khỏe không bảo đảm. Cty làm vậy có đúng không?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 38 BLLĐ 2012 quy định về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ của NSDLĐ như sau: 1. NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HDLĐ trong những trường hợp sau đây: a) NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ; b) NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục, đối với NLĐ làm theo HĐLĐ xác định thời hạn và quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của NLĐ bình phục, thì NLĐ được xem xét để tiếp tục giao kết HĐLĐ;...
2. Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ phải báo cho NLĐ biết trước: a) Ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; b) Ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn; c) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b, khoản 1, điều này và đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Do đó, nếu bạn vẫn khỏe mạnh mà Cty ra quyết định cho bạn nghỉ việc với lý do sức khỏe không đạt yêu cầu là không đúng, thuộc trường hợp chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Nếu Cty chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì phải nhận NLĐ trở lại làm việc, trả lương, BHXH, BHYT những ngày không được làm việc, bồi thường ít nhất 2 tháng tiền lương... theo quy định tại điều 42 BLLĐ 2012.
Điều kiện để xóa án tích
Bạn đọc số 01687931XXX, gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi có người thân vi phạm pháp luật và bị kết án 5 năm, mới thực hiện xong bản án. Tôi có nghe nói về việc xóa án tích sau khi ra tù. Điều kiện được xóa án tích thế nào?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 64 Bộ luật Hình sự 1999 quy định: Những người sau đây đương nhiên được xoá án tích: 1. Người được miễn hình phạt. 2. Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI (các tội xâm phạm an ninh quốc gia - PV) và Chương XIV (các tội xâm phạm sở hữu - PV) của bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây: a) Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo; b) Ba năm trong trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm; c) Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến 15 năm; d) Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên 15 năm.
Điều 65 Bộ luật Hình sự quy định: 1. Toà án quyết định việc xoá án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XI và Chương XIV của Bộ luật này, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã được thực hiện, nhân thân, thái độ chấp hành pháp luật và thái độ lao động của người bị kết án trong các trường hợp sau đây: a) Đã bị phạt tù đến ba năm mà không phạm tội mới trong thời hạn ba năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án; b) Đã bị phạt tù từ trên ba năm đến 15 năm mà không phạm tội mới trong thời hạn bảy năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án; c) Đã bị phạt tù trên 15 năm mà không phạm tội mới trong thời hạn 10 năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án. 2. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu phải chờ một năm sau mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi thì phải sau hai năm mới được xin xóa án tích.
Ngoài ra, người bị kết án cũng được xoá án tích trong trường hợp đặc biệt khi đã thực hiện ít nhất 1/3 thời hạn quy định nếu có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt, đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú đề nghị theo quy định tại điều 66 Bộ luật Hình sự 1999.