Xây dựng chiến lược ôn tập hiệu quả
17h ngày 13.5.2022 là hạn cuối đăng ký tham dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Thông tin mới nhất từ TS Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho thấy, số liệu cập nhật đến ngày 7.5 đã có trên 680.268 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến thành công.
Trong đó có 52% thí sinh chọn bài thi tổ hợp KHXH (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), 30% thí sinh chọn bài thi KHTN (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học).
Theo dự báo của nhiều giáo viên, điểm chuẩn các ngành tuyển sinh tổ hợp KHXH sẽ nhỉnh hơn năm trước, tỉ lệ cạnh tranh cao, buộc học sinh phải nỗ lực ngay từ khâu đầu là ôn tập.
Trao đổi với Lao Động, thầy Nguyễn Hồ Thuỷ - giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Tam Đảo 2 (Vĩnh Phúc) cho biết, học sinh cần xây dựng chiến lược ôn tập hợp lý, nỗ lực đạt điểm cao nhất theo năng lực của mình.
Với bài thi Lịch sử, thầy Thủy khuyên học sinh nên ôn tập bám sát theo cấu trúc đề minh hoạ của Bộ GDĐT. Thầy Thuỷ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa (SGK), tích lũy kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, làm quen với các dạng đề và luyện đề.
"Trong SGK cơ bản, toàn bộ các sự kiện, giai đoạn, nhân vật lịch sử đều được trình bày thành các bài theo lối thông sử cơ bản. Vì vậy, cách tốt nhất để nắm kiến thức cơ bản là bám sát SGK. Trong khoảng thời gian cuối của quá trình ôn thi, học sinh cần tích cực ôn tập những kiến thức cơ bản, kết hợp với luyện đề” - thầy Thuỷ cho biết.
Với môn Địa lý, cô Trần Hồng Hà - giáo viên Trường THPT Cẩm Phả (Quảng Ninh) đưa ra lời khuyên, học sinh cần sử dụng thành thạo atlat địa lý vì số lượng câu hỏi nhiều và rất dễ lấy điểm. Để sử dụng hiệu quả, học sinh cần kết hợp kỹ năng quan sát, nhận xét, phân tích những nội dung có trong atlat.
Cô Hồng Hà cũng chia sẻ thêm, chương trình Địa lý lớp 12 gồm 4 chủ đề (tự nhiên, dân cư, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế). Thí sinh nên lập các biểu bảng tổng kết ngắn gọn hoặc vẽ sơ đồ tư duy để dễ ôn tập, nắm vững nội dung cốt lõi và vấn đề quan trọng của mỗi chủ đề. Đặc biệt, thiết lập từ khóa cho những nội dung khó để dễ nhớ, dễ học.
Với môn Giáo dục công dân, cô Bùi Thị Vân Anh - giáo viên Trường THPT Ngô Gia Tự (Hà Nội) cho biết, để đạt điểm cao trong môn học này, học sinh không cần thiết phải học thuộc từng khái niệm, định nghĩa, nội dung như SGK. Quan trọng nhất là phải hiểu khái niệm, biết phân tích, lý giải, tổng hợp, nhận xét, đánh giá các hiện tượng pháp luật trong thực tiễn đời sống xã hội.
Để ghi nhớ kiến thức, cô Vân Anh khuyên học sinh nên lập sơ đồ tư duy và phải biết hệ thống kiến thức để khả năng nhớ bài hiệu quả hơn. Khi cần có thể mang sơ đồ tư duy ra xem, tránh mất thời gian cho việc tìm kiếm nội dung trong SGK.
Thủ khoa tổ hợp KHXH chia sẻ cách ôn tập hiệu quả
Xuất sắc “ẵm” 3 điểm 10 ở các môn thuộc tổ hợp KHXH trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Ngô Thu Hường (Phú Thọ) hiện là sinh viên năm 2, Trường Đại học Luật Hà Nội đã rút ra nhiều kinh nghiệm với các bài thi trắc nghiệm.
Theo Hường, giai đoạn này các bạn học sinh nên hệ thống lại toàn bộ kiến thức cơ bản. Đồng thời làm trắc nghiệm theo từng chương, từng phần lớn. Sau đó làm đề tổng hợp của từng môn để ôn tập lại kiến thức một lần nữa. Đặc biệt, khi làm bài trắc nghiệm, các bạn học sinh nên làm 2 lần, lượt thứ nhất làm để chắc chắn những câu cơ bản và xác định những câu sai. Lượt thứ hai là ghi nhớ những câu làm sai và ôn luyện những câu đã làm đúng.
Thủ khoa khối C00 với số điểm 29,25 điểm/3 môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 Đinh Thị Kim Ngân (Nghệ An) cũng khuyên học sinh nên chăm chỉ luyện đề và xây dựng kế hoạch ôn tập hợp lý. Trong quá trình ôn thi, Kim Ngân khuyên các bạn học sinh nên luyện nhiều đề để ghi nhớ kiến thức. Bên cạnh đó, cần phân bổ thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.