Đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc, vừa ghi nhận những cống hiến của các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, vừa tổng kết thắng lợi một chặng đường hoạt động văn học, nghệ thuật của các văn nghệ sĩ của tỉnh.
Tại buổi lễ, ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh nhà đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Cùng với việc bảo vệ, phát huy và lập hồ sơ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể, những năm qua tỉnh Bình Định đã dành sự quan tâm sâu sắc đến các Nghệ nhân dân gian - chủ thể nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể, người giữ vai trò chủ chốt trong việc triển khai, thực hiện các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng.
"Tôi đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, cùng với các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho các nghệ nhân trong việc tổ chức các hoạt động trình diễn, truyền dạy di sản văn hóa cho thế hệ trẻ và phát triển thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách" - ông Lâm Hải Giang đề nghị.
Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân nhân dân cho 3 nghệ nhân và danh hiệu vinh dự nhà nước Nghệ nhân ưu tú cho 19 nghệ nhân trong tỉnh.
Trong đợt xét tặng giải thưởng năm 2022, tỉnh Bình Định có nhà thơ, nhà viết kịch Văn Trọng Hùng vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với cụm Kịch bản sân khấu: Khúc ca bi tráng và Nước non cửa Phật.
Đối với Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu dành cho văn học, nghệ thuật tỉnh Bình Định, đây là phần thưởng cao quý của tỉnh dành tặng những tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc của những tác giả tiêu biểu trong đội ngũ văn nghệ sĩ.
Qua đợt xét giải lần thứ VI (2016 - 2020), UBND tỉnh đã phê duyệt kết quả với 75 giải thưởng, gồm: 18 giải A, 31 giải B và 26 giải Khuyến khích thuộc 7 thể loại: Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn nghệ dân gian và Múa.