Thưa ông, theo ông, những vấn đề nổi cộm của hoạt động Văn học Nghệ thuật (VHNT) ở ta hiện nay là gì?
- Đời sống VHNT ở ta đã có những bước phát triển rộng khắp, và cả những biến động mạnh mẽ mà dường như công tác quản lý chưa theo kịp. Thực tiễn thường đi trước lý luận và công tác quản lý phải cố gắng nắm bắt sự phát triển. Thời đại công nghiệp 4.0, truyền thông số, văn hóa số tác động rất nhanh, mạnh, lan tỏa rộng khắp, cái tốt đẹp, ưu việt được lan tỏa đã đành, nhưng mặt trái cũng sẽ tác động đến xã hội rất nhiều, nhiều lúc gây những hệ lụy, phức tạp. Vì lẽ đó, các cơ quan lãnh đạo, quản lý từ trung ương đến địa phương phải nhìn rõ để thay đổi, từ nhận thức đến tư duy, từ phương pháp đến các thao tác cụ thể.
Hiện nay, không gian sáng tạo rộng mở, đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều điều kiện để sáng tạo, công chúng mong muốn có những tác phẩm văn nghệ đỉnh cao, nhưng mong muốn đó chưa được đáp ứng đầy đủ, có vẻ như đang ở phía trước. Để làm được điều khó này, rất cần có sự phối hợp đồng, nhất quán bộ từ người sáng tác, nhà phê bình, nhà quản lý và cả công chúng.
Các nghị quyết của Đảng đối với VHNT, nhất là Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới xác định trong những năm tới, văn học, nghệ thuật Việt Nam đứng trước thời cơ lớn và những thách thức mới.
Việc xây dựng nghị quyết rất công phu, thậm chí kỹ lưỡng từng dấu chấm, dấu phẩy nhưng việc thể chế hóa bằng pháp luật, chính sách, cơ chế còn yếu và chậm. Thực tế này diễn ra không chỉ trong lĩnh vực VHNT.
Điểm yếu mang tính nổi cộm xuyên suốt này cũng sẽ được đưa ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới để tìm ra những giải pháp khắc phục.
Để thực hiện quy định tạm thời phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ, ngành VHNT trong đó có lĩnh vực biểu diễn nên chủ động sống chung với dịch như thế nào theo ông?
- Thực ra ngay khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ hai ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hà Nội và một số nơi khác... lực lượng VHNT đã vượt khó, có nhiều sáng tạo, nhiều hoạt động có hiệu quả. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã tổ chức nhiều chương trình, cuộc thi, sáng tác ca khúc phòng chống dịch. Nhiều nghệ sĩ đã đến trung tâm dịch mang tiếng hát, tiếng nhạc để động viên, cổ vũ lực lượng tuyến đầu chống dịch và các bệnh nhân.
Hình ảnh nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn tại bệnh viện dã chiến TPHCM rất xúc động và truyền cảm hứng mạnh mẽ. Một số diễn viên, nghệ sĩ đã tổ chức quyên góp và trực tiếp mang hàng cứu trợ đến với người dân vùng tâm dịch. Giới mỹ thuật tổ chức hàng trăm cuộc triển lãm, đấu giá tranh gây quỹ ủng hộ, trong đó có cậu bé 14 tuổi - hoạ sĩ nhí Xèo Chu (tên thật là Phó Vạn An), mở triển lãm trực tuyến gây quỹ vì cộng đồng, đã góp được số tiền khá lớn trên 2,9 tỉ đồng. Văn học có nhiều tác phẩm thơ, văn, kịch về đề tài COVID-19. Điện ảnh, phim truyền hình có “Những ngày không quên”, “Ngày mai bình yên”; phim tài liệu có “Cuộc chiến không giới hạn” của Hãng phim Tài liệu và Khoa học TƯ, “Đất mẹ” của Điện ảnh Quân đội nhân dân…
Từng là Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), ông đánh giá việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực VHNT hiện nay như thế nào?
- Thời buổi hiện nay, việc ứng dụng công nghệ là tất yếu, có tính sống còn. Thời tôi làm Tổng Giám đốc VOV, nếu như không dùng công nghệ thì khó có chương trình và tin, bài hay, theo đó là khó kéo công chúng đến với Đài. Phát thanh đi vào số hóa, công nghệ IP, phải đưa thông tin lên các nền tảng công nghệ, mạng xã hội, lên máy tính bảng, trên điện thoại thông minh...
Ngay chuyện cái loa ở phường, xã, thôn, bản tưởng chừng nhỏ bé, lép vế ở thời 4.0, nhưng nếu biết sử dụng hợp lý thì cũng rất hiệu quả, thậm chí “đắc địa”, ví như việc phổ biến thông tin, kiến thức, kỹ năng, thao tác phòng chống, dịch, dùng loa thì cùng một lúc có thể cho hàng trăm, hàng nghìn người nghe ở trong nhà hay ngoài ngõ, trên đường hay ngoài biển, biên giới, hải đảo.
Gần đây có một bộ phận giới trẻ có suy nghĩ lệch lạc về việc tự do sáng tác, thích phản ánh mặt trái xã hội và đã gặp không ít bế tắc, nhiều khi vượt qua lằn ranh “đỏ” về văn hóa. Ông nghĩ gì về hiện tượng này và cần chấn chỉnh ra sao?
- Cơ quan quản lý VHTN cần hiểu rõ nguyên nhân của hiện tượng này. Giới trẻ thường thích cái mới, cái lạ dù không phải cái mới lạ nào cũng thực sự tốt cho cuộc sống. Phải xác định rõ đâu là giá trị thật, là bản chất của VHNT, đâu là những giá trị ảo, những phù du, phù phiếm. Công chúng cũng cần phải được giáo dục thẩm mỹ nhất là thế hệ trẻ.
Cơ quan báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc định hướng các giá trị chân - thiện - mỹ đúng đắn. Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương của chúng tôi đã và đang tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn các cây bút trẻ, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ; vừa chỉ ra cái hay, cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật, vừa phê phán, đấu tranh với những tác phẩm không lành mạnh, thậm chí độc hại.
Với 2 cuốn sách lý luận, phê bình về VHNT, 8 kịch bản sân khấu, 2 tập thơ và 2 cuốn tiểu thuyết (“Hừng Đông”, “Chuyện tình Khau Vai”) và một số cuốn sách về báo chí, truyền thông nữa, cho thấy sức lao động, sáng tạo của ông thật dồi dào, đáng nể. Động lực và nguồn cảm hứng nào trong ông đã khiến ông luôn sung mãn trong sáng tạo?
- Người làm văn nghệ, phải luôn tạo việc và tạo áp lực cho mình, để mình tự vượt lên chứ không thể ép buộc sáng tạo. Cảm hứng xuất phát từ chính đời sống, phải nắm bắt được mạch nguồn cuộc sống và nhu cầu công chúng. Như sân khấu hiện khó khăn, thiếu vắng kịch bản hay, mình có thể tham gia được thì viết cho tốt. Một số vở của tôi, các đoàn cải lương, chèo, kịch nói, dân ca đều dựng và gây được sự quan tâm khá rộng rãi.
Sáng tạo mà không có đam mê thì không bền vững, nhưng cùng với đam mê còn là tài năng, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Tôi viết 8 vở thì có 7 vở đã dàn dựng và chưa khi nào xin cấp ngân sách Nhà nước. Vì mình làm công tác quản lý không khéo sẽ bị xì xào, bị mang tiếng lợi dụng. Các vở sân khấu của tôi đa phần nhờ bạn bè thân thiết hiểu tôi, hiểu nghệ thuật, thương những người làm nghệ thuật mà tự nguyện làm Mạnh Thường Quân một phần, cá nhân tôi tự bỏ tiền túi gom góp được hỗ trợ khâu dựng vở. Tiểu thuyết “Chuyện tình Khau Vai” lúc đầu tôi viết cho riêng sân khấu, sau đó quyết định đưa thành tiểu thuyết để thêm hình thức chuyển tải đến công chúng. Hiện sách cũng đã chuyển ngữ ngữ Anh - Việt, phần tiếng Anh do một nhà văn Mỹ hiệu đính, sẽ ra mắt trong vài ba tháng tới.
Hiện ông đã và sẽ thực hiện những dự án nào?
- Kịch bản hiện nay “Nước non vạn dặm” của tôi đã hoàn tất và đợi dịch bệnh vãn sẽ đưa lên sàn diễn. Đây là vở kịch về người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trong việc tự giác học hành, rèn luyện để tìm đường cứu nước, cứu dân, có chuyến đi mang tính lịch sử vào ngày 5.6.1911, tròn 110 năm trước.
Tôi còn có thêm một số công trình nghiên cứu khác cũng dự tính xuất bản năm tới…
Tôi đã chọn cho mình con đường thâm canh, chuyên canh trong vài ba lĩnh vực, tránh cách làm “quảng canh”. Có lẽ thế mạnh phần nào của tôi là sân khấu và tiểu thuyết. Đề tài chủ yếu của tôi là lịch sử, văn hóa, chiến tranh cách mạng; là thân phận dân tộc, thân phận con người, thứ đến là tiểu thuyết. Còn mảng lý luận, phê bình, tôi cố gắng tích lũy, làm chủ và ra sách tiếp.
Mảng báo chí, truyền thông vẫn tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo. Tuổi chưa cao nên còn muốn sáng tạo nhiều hơn. Một số lĩnh vực khác như thơ, tôi cũng ra được 2 tập thơ, một số bài được phổ nhạc và được bạn bè mến mộ như bài viết về Tổ quốc, “Bâng khuâng Trường Sa”, “Tiến lên Việt Nam”, “Miền Trung ơi, Xứ Nghệ”... Tôi rất thích làm thơ tặng các cháu yêu của mình. Được nhận cái hôn âu yếm của các cháu là phần thưởng cao quý nhất...
Với ông, những giá trị nào trong cuộc sống là quan trọng nhất?
- Thực ra, con người ta phải tự tạo ra giá trị thực cho bản thân. Con người là thành viên xã hội, sống và làm việc sao cho có ích với xã hội, làm được những điều tốt đẹp cho con người, vì con người. Nếu anh sáng tạo ra những tác phẩm văn nghệ được xã hội chấp nhận, cao hơn là được ngợi khen, thì đó là phần thưởng quý giá, đó cũng là giá trị đích thực, khách quan của anh.
- Xin trân trọng cảm ơn PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, chúc ông luôn vui khỏe và chờ đón ở ông những sáng tạo mới.