TS Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế: “Văn hóa phải là ngọn đuốc soi đường”
Hơn 6 năm trước, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành trung ương Đảng đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người về văn hóa, di sản và các giá trị truyền thống khi khẳng định: Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Và hơn 6 năm qua, cùng với sự ổn định và phát triển của đất nước, văn hóa đã và đang thực sự được nâng tầm, văn hóa, di sản và các giá trị truyền thống cũng ngày càng chứng tỏ vị trí, tầm quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam.Đại hội lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam sở dĩ thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân bởi vì niềm tin, sự hy vọng ngày càng tăng lên; khát vọng về một nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh ngày càng mãnh liệt, nhất là khi Việt Nam đã vững vàng vượt qua một năm đầy sóng gió thử thách để trở thành một tấm gương điển hình bởi vừa khống chế thành công đại dịch COVID-19, vừa ổn định phát triển.
Với những người làm văn hóa, ước mong ấy càng cháy bỏng vì chúng tôi xem đây là cơ hội để Việt Nam cất cánh bằng chính bản lĩnh và các giá trị mà chúng ta đang có - những giá trị đã được hun đúc, thử thách qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, những giá trị mà tổ tiên chúng ta đã nâng niu, gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ con cháu ngày nay. Đó là văn hóa, là di sản và các giá trị truyền thống của người Việt Nam.
Chúng tôi mong Đại hội thứ XIII của Đảng sẽ tiếp tục đưa ra những quyết sách chiến lược về văn hóa, tiếp tục và nâng cao hơn nữa tinh thần của Nghị quyết số 33, để văn hóa không chỉ là mục tiêu, là động lực mà còn thực sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho quốc dân trong thời kỳ mới. Thế giới ngày càng phẳng, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào quá trình hội nhập với nhân loại, cũng chính vì thế, văn hóa và các giá trị truyền thống dân tộc sẽ trở nên vô cùng quan trọng. Văn hóa sẽ là tiêu chí để nhận diện, để định vị Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Bởi vậy, văn hóa phải được thực sự đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội, phải được nhìn nhận đúng vai trò để được quan tâm đầu tư cả về chính sách, cơ chế, nguồn lực và con người. Không thể có một nền văn hóa phát triển ngang tầm như chúng ta mong muốn nếu không được đầu tư một cách xứng đáng. Không thể có một nền văn hóa phát triển rực rỡ nếu không có những con người tâm huyết, tài hoa xuất chúng trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, di sản… Và các giá trị di sản truyền thống không thể thăng hoa nếu không được quan tâm gìn giữ và phát huy giá trị.
TS Nguyễn Sinh Viện, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế thành phố Huế: “Biến các chủ trương của Đảng và Nhà nước thành lợi thế hoạt động đối ngoại”
Hoạt động đối ngoại của nước ta từ nhiều năm nay luôn mang lại nhiều tín hiệu tích cực, thể hiện rõ qua 2 nội dung chính: Bám sát định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước, góp phần khẳng định vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Những thành quả đạt được có thể được xem là hệ quả tất yếu của sự kết hợp nhuần nhuyễn cả “3 mũi giáp công”, đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao Nhân dân. Những nhân tố chính quyết định hiệu quả công tác này bao gồm, sự đánh giá đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tình hình trong nước và thế giới trong từng giai đoạn để có những định hướng, chỉ đạo phù hợp; sự sáng suốt trong lựa chọn con đường đi; bản lĩnh vượt qua khó khăn của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng của các cấp chính quyền và của toàn xã hội… Chính những nền tảng cơ bản này đã góp phần giúp đội ngũ làm đối ngoại chủ động đánh giá đúng tình hình, từ đó triển khai linh hoạt và hiệu quả các nội dung công tác nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Có thể thấy rằng, đối ngoại ở nước ta trong thời đại ngày nay chính là hoạt động phản ánh trung thực và đầy đủ nhất hình ảnh và xu thế phát triển của đất nước. Với 3 trụ cột có mối quan hệ gắn bó và tác động lẫn nhau là ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế, Việt Nam đang củng cố và đẩy mạnh một nền ngoại giao tổng lực, toàn diện và hiện đại, qua đó góp phần phát huy đường lối đối ngoại nhất quán, tự chủ và sáng tạo của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn thế giới trong năm qua do đại dịch COVID-19, Việt Nam được quốc tế đánh giá là một điểm sáng, một trong những nước có mức tăng trưởng dương tương đối cao khi thực hiện thành công “mục tiêu kép”: Phòng, chống dịch bệnh đi kèm với phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Trong bối cảnh chuyển động rất nhanh của thế giới ngày nay với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt từ các cuộc khủng hoảng kinh tế và gần đây nhất là cuộc khủng hoảng y tế quy mô toàn cầu nêu trên, với nhiều hệ lụy về mặt kinh tế - xã hội, công tác đối ngoại cần có những đột phá và luôn trong tư thế sẵn sàng để không bị động và bất ngờ trước mọi diễn biến, từ đó chủ động thích nghi với mọi hoàn cảnh và diễn biến. Công tác đối ngoại vì vậy rất cần chú trọng đến chiều sâu, tăng cường sự chỉ đạo của các cấp một cách toàn diện và thống nhất, tranh thủ các kênh đối ngoại đa dạng, chú trọng và nâng tầm đối ngoại đa phương, trong một cái nhìn chiến lược tổng thể và bao quát.
Đối ngoại luôn cần kế thừa, ổn định và phát triển. Tôi hy vọng Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ tiếp tục vạch ra một đường lối đối ngoại nhất quán nhưng đồng thời cũng cho phép tạo ra những đột phá, để đội ngũ làm công tác này ở các cấp, các ngành và các địa phương phát huy được tính tự chủ, sáng tạo, tích cực và chủ động, phối hợp và huy động tổng lực lợi thế chân kiềng của cả ba kênh đối ngoại, từ đó nâng cao niềm tin với bạn bè quốc tế và vị thế của Việt Nam vốn đang ngày càng lớn mạnh trên trường quốc tế.