Mỗi chuyến đi có thể tốn khoảng 2-3 tháng lương
Theo nghiên cứu mới nhất của nền tảng thương mại điện tử về du lịch và trải nghiệm Klook, khảo sát trên 300 người trẻ Việt (ở độ tuổi 20-40), có 36% muốn chi tiêu trong khoảng từ 1.000 USD - 2.000 USD cho một chuyến du lịch.
Trong đó, 71% du khách được hỏi sẵn sàng đầu tư vào các trải nghiệm du lịch. Những trải nghiệm được ưa chuộng nhất gồm: thiên nhiên và hoạt động ngoài trời (71%), trải nghiệm văn hóa (61%) và hoạt động dưới nước (53%).
Phương Linh (28 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết, cô thường tranh thủ đi du lịch vào dịp cuối tuần để tiết kiệm ngày nghỉ phép. Vì thời gian ngắn, Phương Linh lựa chọn khách sạn và dịch vụ tốt nhất để tận hưởng kỳ nghỉ thoải mái.
“Mình bay cuối tuần nên giá khá đắt, khoảng 3-4 triệu đồng/vé khứ hồi. Giá đặt phòng khách sạn là 2-3 triệu đồng/phòng cho 2 người. Trung bình, mỗi chuyến đi 3 ngày 2 đêm trong nước hoặc các nước khu vực Đông Nam Á vào khoảng 10-20 triệu đồng” - Phương Linh chia sẻ.
Khác với Phương Linh, Thái Huyền (30 tuổi, giảng viên) sẵn sàng bỏ ra 30-60 triệu đồng cho các chuyến du lịch xa, khám phá những vùng đất mới.
Thái Huyền cho biết: “Thay vì chọn đi du lịch hạng sang trong nước, mình thích trải nghiệm, khám phá các quốc gia có kiến trúc, văn hóa, ẩm thực độc đáo như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ hay các nước châu Âu”.
Mỗi chuyến đi như thế khiến cô tiêu tốn khoảng 2-3 tháng lương. Tuy nhiên, Thái Huyền không cảm thấy tiếc vì du lịch giúp cô thoải mái, hứng khởi hơn để quay trở lại với công việc.
Ngoài ra, Thái Huyền cũng thường xuyên du lịch ngắn ngày trong nước, mỗi năm khoảng 4-5 lần. Chi phí mỗi chuyến đi dao động ở mức 5-10 triệu đồng.
Xu hướng du lịch của giới trẻ hiện nay chủ yếu theo trào lưu
Bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Cổ phần Lữ hành Vietluxtour - cho biết, thế hệ gen Z (sinh năm 1997 đến 2012) tìm kiếm, tiếp cận thông tin về du lịch một cách đa dạng, nhanh chóng thông qua các phương tiện công nghệ. Do đó, họ dễ dàng giúp người thân đưa ra các quyết định trong việc đặt tour tuyến, vé máy bay hay phòng nghỉ khi đi du lịch.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Du lịch và Sự kiện J Travel - nhận định: “Xu hướng du lịch của giới trẻ hiện nay là theo trend (trào lưu, PV), check in điểm đến nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội. Đa số khách Việt lựa chọn khám phá, trải nghiệm tại các điểm đến mới”.
Mặt khác, hiện áp lực về kinh tế khiến nhiều khách Việt chú trọng vào vấn đề giá cả, có nhu cầu chi tiêu ít hơn so với giai đoạn trước dịch. Một số bạn trẻ lựa chọn tự đặt vé, phòng khách sạn, tự trải nghiệm thay vì đặt tour để tiết kiệm chi phí.
Theo nghiên cứu của Klook, 69% du khách Việt Nam sử dụng các nền tảng mạng xã hội để tìm cảm hứng và lập kế hoạch cho kỳ nghỉ. Các nền tảng phổ biến nhất bao gồm Facebook, TikTok và Instagram.
Trong khi đó, nghiên cứu mới nhất về Chỉ số tự tin du lịch (Travel Confidence Index - TCI) Châu Á Thái Bình Dương (APAC) 2023 của Booking.com chỉ ra rằng, có 40% khách Việt được hỏi có mối quan tâm lớn nhất về vấn đề tài chính khi đi du lịch. Tuy nhiên, 83% vẫn yêu thích và muốn lên kế hoạch cho các chuyến đi trong 12 tháng tới.