Hành trình ra đời của Quốc huy Việt Nam

Nguyễn Hà - Tô Thế |

Quốc huy Việt Nam - một sản phẩm sáng tạo của hội họa, là biểu tượng cô đọng, đầy đủ và súc tích về đất nước và con người Việt Nam. Tạo nên mẫu Quốc huy đó là cả một hành trình sáng tạo, cống hiến.

Họa sĩ vẽ mẫu Quốc huy trong ký ức của những người con

Nằm trên con phố nhỏ ở khu tập thể Thành Công (TP.Hà Nội), ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Minh Thủy bao nhiêu năm nay vẫn là nơi lưu giữ tất cả kỷ vật về người cha của mình - họa sĩ Bùi Trang Chước cùng hành trình cống hiến, sáng tạo âm thầm với những mẫu vẽ tem thư, tiền giấy của ông. Và một trong những tác phẩm để đời của người họa sĩ tài năng chính là mẫu vẽ Quốc huy.

Từ năm 1953 đến đến 1955, họa sĩ Bùi Trang Chước đã có hơn 100 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo, bản vẽ chì chi tiết những đối tượng mà ông muốn thể hiện trong mẫu Quốc huy Việt Nam.

Toàn bộ hơn 100 mẫu vẽ Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước có đủ loại hình vẽ, từ hình dáng bầu dục đứng hoặc ngang, hình tròn… vẽ chì, vẽ màu, phác thảo hoặc hoàn thiện… Rất nhiều chi tiết, hình ảnh đặc trưng của Việt Nam đã được họa sĩ sử dụng từ bông lúa, con trâu, cái đe, cây tre, đền Hùng, Gò Đống Đa, Khuê Văn Các, Chùa Một Cột…

Họa sĩ Bùi Trang Chước - tác giả mẫu Quốc huy Việt Nam. Ảnh: Thế Hà
Họa sĩ Bùi Trang Chước - tác giả mẫu Quốc huy Việt Nam. Ảnh: Thế Hà

Trong ký ức của bà Thủy, để ra được mẫu vẽ Quốc huy cuối cùng, người cha thân yêu của bà đã không quản ngại từ việc lội ruộng nghiên cứu thật kỹ bông lúa đưa lên hình ảnh Quốc huy.

“Để ra được mẫu vẽ Quốc huy được Quốc hội thông qua là cả quá trình rất nhiều bản thảo, từ những chi tiết đầu tiên cho tới mẫu vẽ cuối cùng là hơn 100 bản vẽ. Với những hình ảnh, thành tố của Quốc huy, bố tôi phải lội xuống ruộng, hái bông lúa lên, nghiên cứu bông lúa đó rủ xuống như thế nào để đưa lên hình ảnh Quốc huy” - con gái họa sĩ Bùi Trang Chước cho biết.

Sau nhiều chỉnh sửa, họa sĩ Bùi Trang Chước đã chọn 15 bản vẽ Quốc huy đa dạng, thống nhất về ý tưởng để gửi cấp trên lựa chọn. Nhưng sau đó vì nhiệm vụ, việc chỉnh sửa, hoàn thiện Quốc huy được giao lại cho họa sĩ Trần Văn Cẩn. Việc này đã gây ngộ nhận và nhầm lẫn trong 50 năm rằng, họa sĩ Trần Văn Cẩn là tác giả của Quốc huy Việt Nam.

“Thời điểm cha tôi sáng tác mẫu quốc huy phải vô cùng tuyệt mật, ít khi được gặp gia đình. Đến bây giờ, khi nhìn lại hành trình sáng tác mẫu Quốc huy Việt Nam của cha, chúng tôi vô cùng tự hào, cảm động” - bà Thủy nói.

“Để ra được mẫu vẽ Quốc huy được Quốc hội thông qua là cả quá trình rất nhiều bản thảo, từ những chi tiết đầu tiên cho tới mẫu vẽ cuối cùng là hơn 100 bản vẽ. Với những hình ảnh, thành tố của Quốc huy, bố tôi phải lội xuống ruộng, hái bông lúa lên, nghiên cứu bông lúa đó rủ xuống như thế nào để đưa lên hình ảnh Quốc huy” - bà Nguyễn Thị Minh Thủy, con gái họa sĩ Bùi Trang Chước, cho biết.

Còn trong ký ức của bà Nguyễn Thị Minh Tiến - cũng là một người con của họa sĩ Bùi Trang Chước, hình ảnh người cha của bà hiện lên là những đêm khuya miệt mài bên giá vẽ: “Tôi khâm phục cha tôi về ý thức lao động, miệt mài. Trong khi cha tôi vẽ mẫu Quốc huy, phải nói lúc đó đất nước khó khăn, cha tôi miệt mài trong đêm khuya nhưng chẳng có gì bồi dưỡng. Thương cha lao động tận tụy, khắc khổ. Bây giờ xem lại những thành quả mà cha để lại, tôi cảm thấy rất tự hào” - bà Tiến chia sẻ.

“Tôi vẽ mẫu Quốc huy”

Họa sĩ Bùi Trang Chước tên thật là Nguyễn Văn Chước, sinh ngày 21.5.1915, tại thôn Phú Xá, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông là một trong những họa sĩ tài năng của nền hội họa Việt Nam. Họa sĩ tốt nghiệp loại xuất sắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, họa sĩ Bùi Trang Chước tham gia kháng chiến và giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Hà Nội. Do có biệt tài về đồ họa, ông được tham gia vẽ giấy bạc ở Nhà in Ngân hàng và sáng tác mẫu Bằng khen, Huân, Huy chương cho Chính phủ.

Vào những năm 1950, một số quốc gia trên thế giới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Để mở rộng quan hệ với các nước, khẳng định chủ quyền dân tộc thông qua hoạt động ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã có Công văn gửi Ban Thường vụ Quốc hội về việc làm Quốc huy.

Những người con của họa sĩ Bùi Trang Chước xúc động khi nghĩ lại hành trình sáng tạo của cha mình. Ảnh: Thế Hà
Những người con của họa sĩ Bùi Trang Chước xúc động khi nghĩ lại hành trình sáng tạo của cha mình. Ảnh: Thế Hà

Cuộc thi sáng tác mẫu Quốc huy đã được phát động năm 1951, thu hút đông đảo họa sĩ trên cả nước tham gia. Bằng tài năng sáng tạo và sự lao động nghiêm túc, họa sĩ Bùi Trang Chước đã có một hành trình sáng tạo đầy ấn tượng với 112 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo và bản vẽ chi tiết. Trong đó, 15 bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam được Ban Mỹ thuật chọn gửi Bộ Tuyên truyền để trình Thủ tướng Chính phủ.

Bản di bút “Tôi vẽ mẫu Quốc huy” của họa sĩ viết ngày 26.4.1985 đã kể rất cụ thể về hành trình sáng tạo mẫu Quốc huy. Ông viết: “…Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam cuối cùng của tôi hồi đó là trình bày theo hình tròn, hai bên chung quanh là các bông lúa Việt Nam, có mấy bông rủ vào bên trong ôm cái đe ở giữa phía dưới, tượng trưng cho công nông nghiệp, dưới đe là dải lụa sau này có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai đầu dải lụa quấn hai bên bông lúa từ dưới lên mỗi bên hai đoạn. Ở giữa phía trên, trong nền là ngôi sao vàng trên nền đỏ. Dưới ngôi sao gần giữa trung tâm nền là vòng cung mặt trời, có tia chiếu sáng chung quanh, gợi lên hình ảnh của buổi bình minh”.

Sau khi chỉnh sửa theo góp ý của Bác Hồ, trong Di bút của mình, họa sĩ Bùi Trang Chước viết: “Mẫu Quốc huy lần này tôi cũng vẽ hình tròn, chung quanh hai bên có thêm những bông lúa kéo dài lên trên tiếp giáp với nhau ở đỉnh trục đường vòng tròn, hai bên vẫn giữ những bông lúa rủ xuống vào trong ôm lấy bánh xe thay cho cái đe, ở phía dưới, dải lụa ở giữa có chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, hai đầu dải lụa vẫn quấn lên các bông lúa mỗi bên hai đoạn, gốc các bông lúa bắt chéo nhau tạo thành đế Quốc huy thót hai đầu cho gọn.

Phía bên trong nền là ngôi sao, dưới ngôi sao để trống cho thoáng, không có mặt trời và tia chiếu sáng chung quanh. Về màu sắc, riêng nền bên trong Quốc huy và dải lụa là màu đỏ, còn các hoạ tiết khác như các bông lúa, ngôi sao và bánh xe đều là màu vàng”...

Mẫu Quốc huy này của họa sĩ Bùi Trang Chước được Trung ương duyệt và có ý kiến chỉ đạo chỉnh sửa một số chi tiết nhỏ. Khi đó, họa sĩ Bùi Trang Chước nhận nhiệm vụ tuyệt mật của Chính phủ là vẽ và in tiền, do vậy, việc chỉnh sửa một vài chi tiết đã được giao cho họa sĩ Trần Văn Cẩn thực hiện.

Biểu tượng thiêng liêng

Vào những ngày mùa Thu Tháng Tám năm 2020, triển lãm “Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã thu hút khá nhiều khách tham quan. Chặng đường ra đời Quốc huy Việt Nam - biểu tượng chính thức và thiêng liêng của đất nước ta đã được trưng bày và hiện lên đậm nét hơn bao giờ hết.

Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) - cho biết: “Việc đưa những phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam vào trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam rất phù hợp bởi người dân có thể được nhìn thấy biểu tượng, biểu trưng của đất nước dưới góc độ mỹ thuật, từ đó hiểu hơn về tài năng, đóng góp của cố họa sĩ Bùi Trang Chước - người mà mới đây đã được lấy tên đặt cho một con phố ở Hà Nội”.

Trao đổi với Lao Động, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn bày tỏ: “Thật cảm động trong sự tưởng nhớ, kính trọng cố hoạ sĩ Bùi Trang Chước khi gặp lại những phác thảo đầu tiên của mẫu Quốc huy Việt Nam được ông sáng tác. Đây là những minh chứng đẹp đẽ của những cống hiến thầm lặng của ông cho đất nước và dân tộc”.

Nguyễn Hà - Tô Thế
TIN LIÊN QUAN

Đi tìm những nét vẽ đầu tiên cho sự ra đời của Quốc huy Việt Nam

Nguyễn Hà - Tô Thế |

Từ năm 1953 đến 1955, họa sĩ Bùi Trang Chước đã có hơn 100 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo, bản vẽ chì chi tiết những đối tượng mà ông muốn thể hiện trong mẫu Quốc huy Việt Nam.

Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Sự ra đời của những biểu tượng Việt Nam

Hoài Anh - Nguyễn Hà |

Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy Việt Nam là bộ 3 biểu tượng chính thức về đất nước và con người Việt Nam. Quá trình ra đời của các biểu tượng này là những câu chuyện đặc biệt, xuất phát từ thực tế hoàn cảnh lịch sử qua từng giai đoạn.

Ngắm những mẫu phác thảo Quốc huy Việt Nam của cố hoạ sĩ Bùi Trang Chước

Vương Trần |

Những mẫu phác thảo Quốc huy Việt Nam của cố hoạ sĩ Bùi Trang Chước được giới thiệu tới công chúng.

Nữ cán bộ ở Lạng Sơn bị thi hành án trừ lương để trả nợ

An Khánh |

Lạng Sơn - Do không thể trả được khoản nợ từ nhiều năm trước, nữ cán bộ công tác tại một cơ quan hành pháp của tỉnh đã bị thi hành án trừ lương để trả nợ.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Sự kỳ lạ nhìn từ vụ Hoa hậu Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp đại học

Lan Anh |

Đại diện trường Đại học Ngoại thương đã xác nhận Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp trong bối cảnh cô vừa đăng quang cuộc thi sắc đẹp thứ 2 sau 10 năm.

Giá vàng hôm nay 21.9: Vàng nhẫn tăng, phá kỷ lục mới

Khương Duy |

Giá vàng hôm nay 21.9 tăng mạnh ở cả thị trường trong nước và thế giới. Vàng nhẫn tròn trơn 9999 tăng lên mức cao nhất nhiều tuần.

Bổ nhiệm 10 sĩ quan cấp tá quân đội nhận chức vụ mới

PHẠM ĐÔNG |

Từ ngày 16.9 - 20.9, các cơ quan đã công bố, trao quyết định điều động, bổ nhiệm với 10 sĩ quan cấp tá quân đội và bàn giao chức vụ.

Đi tìm những nét vẽ đầu tiên cho sự ra đời của Quốc huy Việt Nam

Nguyễn Hà - Tô Thế |

Từ năm 1953 đến 1955, họa sĩ Bùi Trang Chước đã có hơn 100 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo, bản vẽ chì chi tiết những đối tượng mà ông muốn thể hiện trong mẫu Quốc huy Việt Nam.

Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Sự ra đời của những biểu tượng Việt Nam

Hoài Anh - Nguyễn Hà |

Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy Việt Nam là bộ 3 biểu tượng chính thức về đất nước và con người Việt Nam. Quá trình ra đời của các biểu tượng này là những câu chuyện đặc biệt, xuất phát từ thực tế hoàn cảnh lịch sử qua từng giai đoạn.

Ngắm những mẫu phác thảo Quốc huy Việt Nam của cố hoạ sĩ Bùi Trang Chước

Vương Trần |

Những mẫu phác thảo Quốc huy Việt Nam của cố hoạ sĩ Bùi Trang Chước được giới thiệu tới công chúng.