Những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Tày đã tổ chức nhiều nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán nhằm góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Điều này cũng góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ cùng phát triển nhân dịp đầu năm mới 2020.
Đồng bào dân tộc Tày sinh sống chủ yếu ở vùng núi thấp phía Bắc Việt Nam như Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn... Cũng như nhiều cộng đồng dân tộc khác, khi mùa xuân sang, người Tày lại nô nức, sum họp cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ đón Tết.
Theo phong tục của người Tày, ngày Tết Nguyên đán họ dâng lên bàn thờ gia tiên những sản vật do chính họ làm ra như bánh chưng dài, chén rượu men lá, lạp xưởng, gà đồi cùng các loại bánh chay như khẩu sli, pẻng khô, bánh khảo...
Nghi thức không thể thiếu của đồng bào người Tày (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) trong những ngày Tết đó là công việc dọn dẹp, trang trí lại bàn thờ với mong ước sẽ gặp nhiều điều tốt đẹp, may mắn. Bên cạnh không khí sum vầy, những điệu hát Then, hát sli, lượn cũng được đồng bào dân Tộc Tày lưu giữ, tái hiện lại một cách rõ nét.
Anh Ma Văn Ngọc (sinh năm 1991, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) tâm sự: “Dân tộc Tày có nhiều lễ hội, nhưng lớn nhất vẫn là dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Lồng Tồng (còn gọi là lễ hội xuống đồng) để cầu cúng vị thần Nông cai quản ruộng đồng, xóm làng. Đón Tết xa quê, không thể tránh khỏi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hoàn tất vì trách nhiệm của dân tộc mình”.
Chia sẻ về nỗi khó khăn, anh Ngọc cho hay, có nhiều bà con sinh sống tại làng do không quen với khí hậu thất thường ở miền Bắc mà ốm sốt liên tục, phải mất hàng tháng trời mới có thể thích nghi.
Tuy vị Tết ở đây chưa đủ đầy như ở quê nhưng cũng phần nào cũng thể hiện tấm lòng thành kính, sự đền đáp công ơn của thế hệ con cháu trong gia đình đối với tổ tiên, với những người đã khuất.
Một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết của người Tày đó là điệu hát Then. “Điệu hát thần tiên” được ví như món ăn tinh thần có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc nơi đây.
Hát Then cùng với giai điệu của cây đàn Tính không chỉ xuất hiện trong đời sống sinh hoạt mà còn có mặt trong các nghi lễ quan trọng của họ như Then giải hạn, Then gọi vía, Then cầu an...
Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Xuyến (sinh năm 1960), Trưởng nhóm nghệ nhân dân tộc Tày - cho biết, việc xa quê hương, nỗi nhớ nhà là điều không thể tránh khỏi nhưng đồng bào dân tộc Tày đang sinh sống tại Hà Nội vẫn cố gắng lưu giữ những bản sắc của dân tộc mình.
Không những vậy, theo bà Xuyến, mỗi người lớn, người có kinh nghiệm cũng không quên truyền dạy lại cho thế hệ trẻ bằng việc tổ chức nhiều hoạt động bổ ích. Việc trình diễn và trưng bày sản phẩm đặc sản của địa phương, liên hoan ẩm thực truyền thống sẽ được tổ chức thường xuyên...
Đặc biệt, đây cũng là dịp để dân tộc Tày ở Thái Nguyên cùng các dân tộc anh em đang sinh sống tại Làng Văn hóa thêm đoàn kết, gắn bó chặt chẽ hơn.