Nhiều hoạt động có sự tham gia của hơn 100 đồng bào các dân tộc (Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Raglai, Êđê và Khmer) đến từ 10 địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình...) cùng sự tham gia của Nhà hát chèo Việt Nam, Nhà hát múa rối Việt Nam và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Điểm nhấn của chuỗi chương trình là chuyên đề điểm nhấn “Xuân trên bản làng em”, trong đó chương trình “Ngày Xuân vang mãi câu then” giới thiệu những trò chơi dân gian nổi bật của dân tộc Tày.
Then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng. Then có nghĩa là “thiên”, người Tày quan niệm khúc hát then là khúc hát thần tiên, cầu nối tâm linh chở theo lời thỉnh cầu, mong ước thấu tới tai thần thánh. Vì thế, mỗi dịp người Tày cúng cầu an giải hạn, cúng tổ tiên hay mừng nhà mới, mừng thọ… đều không thể vắng bóng những giai điệu then mượt mà.
“Lễ Đâm đuống” của đồng bào dân tộc Mường cũng được tái hiện lại. “Đâm đuống” là hình thức giã gạo trong hội lễ, có tính nghệ thuật và chỉ do phụ nữ biểu diễn. Đó là một cuộc “hòa nhạc” có động tác mang ý nghĩa thực dụng ngày thường đã được nghệ thuật hóa.
“Vui xuân trẩy hội” của Nhà hát chèo Việt Nam bao gồm các tích chèo cổ, các làn điệu chèo bên cạnh nghệ thuật Hát văn, một trong những loại hình trình diễn độc đáo trong Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 1.12.2016.
Ngoài ra, chương trình rối cạn “Đón mừng xuân mới” sẽ mang đến sự hứng thú bởi những đôi bàn tay khéo léo của các nghệ sĩ, kết hợp với âm nhạc, tạo hình con rối để mỗi lứa tuổi có cảm nhận khác nhau.
Và cùng với các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, hội xuân, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... cũng được tổ chức nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. “Hương sắc vùng cao” kéo dài đến ngày 31.1.2018.