Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài sang năm thứ hai và tiếp tục diễn biến phức tạp với đợt bùng phát lần thứ tư trên quy mô toàn cầu, đời sống kinh tế, xã hội của cả nước đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức mới, gay gắt hơn năm 2020.
Trong đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch là một trong số ít ngành bị tác động trực tiếp, toàn diện, chịu thiệt hại nặng nề trong tất cả các lĩnh vực, trên tất cả các địa bàn hoạt động: văn hóa - thể dục thể thao - du lịch.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngành văn hoá đã thực hiện tốt nhiều hoạt động trong các lĩnh vực bảo vệ di sản, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh...
Một trong những kết quả đáng chú ý mà ngành văn hoá đạt được giúp vai trò, vị thế của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch được nâng cao là: Chủ động tham mưu, cụ thể hóa và triển khai mục tiêu, nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.
Kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương một số nội dung mang tính “đột phá, chiến lược”, được Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao: Tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc; tham mưu và được Chính phủ giao nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét, sau nhiều năm, chúng ta đã tổ chức thành công một Hội nghị Văn hoá toàn quốc. Sự kiện này được Chính phủ đánh giá là sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành văn hoá.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành văn hoá cần phải tiếp tục xây dựng các chiến lực, đề án để qua đó, có cơ hội nhìn lại các quá trình, tổng kết cho một cái nhìn dài hơn về văn hoá một cách chắc chắn và thống nhất.
Cũng tại buổi tổng kết, các hoạt động trong các lĩnh vực đã được đưa ra. Về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ngành văn hoá đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước về di sản văn hóa “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ đề cử di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản thế giới; Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử và Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê được đưa vào Danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản văn hóa thế giới; phê duyệt 5 Quy hoạch và 8 Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt...
Đối với ngành nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, tổ chức thành công Chương trình nghệ thuật “Niềm tin và Khát vọng” chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ban hành 2 quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế kỹ thuật trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật; Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn..
Bên cạnh đó, một sự kiện quan trọng phải kể đến là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công được một Triển lãm Quốc tế dù tình hình dịch bệnh căng thẳng. Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Triển lãm Thế giới EXPO đã cho thấy sự phối hợp rộng rãi, nhịp nhàng giữa các đơn vị. Nhìn qua tưởng chừng như không có gì nổi bật nhưng những ai làm trong ngành văn hoá lâu năm mới thấy sự phối hợp chặt chẽ, tính cộng đồng và trách nhiệm.